Sau khi hoàn thành việc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã nhanh chóng tổ chức học tập, quán triệt nhằm sớm đưa Nghị quyết Đại hội của đơn vị mình đi vào cuộc sống. Xung quanh vấn đề này, báo VietnamNet có cuộc trò chuyện với ông Lê Công Khanh - Ủy viên ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy.

Thưa ông Lê Công Khanh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã được công bố, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang khóa mới cũng ra mắt, nhận nhiệm vụ đã hơn 2 tháng, xin được hỏi, tới nay công việc hướng dẫn triển khai nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh xuống cơ sở đã được thực hiện như thế nào?

Như các đồng chí đã biết, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14/10/2020 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Đây là một sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của tỉnh nhà, với phương châm “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, Đại hội thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hậu Giang, chung sức, chung lòng nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng, hành động trong toàn Đảng bộ nâng cao năng lực, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới vì Hậu Giang ngày càng phát triển, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ngay sau Đại hội, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 03/11/2020 và Kế hoạch số 06-KH/TU ngày 14/12/2020 về việc triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 -2025, để đáp ứng yêu cầu học tập, nghiên cứu, quán triệt và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV. Qua đó tạo sự thống nhất về nhận thức tư tưởng, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân nhằm nâng cao lòng tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đã đề ra.

{keywords}
Thành phố Vị Thanh nép mình bên dòng kênh Xáng Xà No. (Ảnh Văn Dương)

Đặc biệt, lần này Tỉnh ủy đã chỉ đạo cách làm mới trong việc triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết bằng hình thức trực tuyến và truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh - truyền hình tỉnh vào ngày 25/12/2020 vừa qua, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp triển khai đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đồng tình và ủng hộ, được xem là rất phù hợp, cần phát huy và duy trì trong tới gian tới.

Lợi ích của cách làm này là nhiều tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập ngay. Bên cạnh đó, người dân cũng có thể tiếp thu, học tập nghị quyết một cách dễ dàng và tiện lợi…

Kết quả toàn tỉnh đã tổ chức được 336 điểm dự học, với 16.514/33.664 cán bộ, đảng viên học tập, đạt tỷ lệ 49,05% đảng viên toàn đảng bộ học tập nghị quyết.

Theo Kế hoạch của Tỉnh ủy việc triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 -2025 bằng hình thức chiếu video clip do Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang ghi lại nội dung đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp triển khai tại Hội nghị trực tuyến để triển khai cho số đảng viên còn lại trong toàn Đảng bộ, hoàn thành trong tháng 01/2021; tuyên truyền rộng rãi cho đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân hoàn thành trong tháng 02/2021.

Tới đây, Hậu Giang sẽ làm gì để những gì Đại hội Đảng bộ tỉnh đã bàn, đã quyết (cụ thể 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 nhiệm vụ đột phá, 18 chỉ tiêu chủ yếu và 4 nhóm giải pháp lớn) sẽ được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nhất?

Tại Đại hội vừa qua, Hậu Giang đã chọn mục tiêu tổng quát: Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững; khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá. Mục tiêu này được cụ thể ở 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 nhiệm vụ đột phá, 18 chỉ tiêu chủ yếu và 4 nhóm giải pháp lớn của tỉnh.

Nhằm triển khai đồng bộ, có hiệu quả nhất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trên, Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã ban hành Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26/11/2020 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội thành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch chuyên đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; giao cho các cơ quan chuyên môn triển khai, tổ chức thực hiện, trong đó tỉnh sẽ ban hành 01 chỉ thị (Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và thực thi thể chế, chính sách của tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025);

04 nghị quyết (Nghị quyết phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch về luân chuyển cán bộ; Nghị quyết chuyên đề về phát triển huyện Châu Thành thành trung tâm đô thị - công nghiệp của Tỉnh; Nghị quyết cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết chuyên đề xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số); 02 đề án (Đề án thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp sở, phòng; Đề án nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025);

04 chương trình (Chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV; Chương trình phát triển công nghiệp và logistics; Chương trình phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; Chương trình bảo vệ môi trường). Đặc biệt, Tỉnh lựa chọn 3 nhóm nhiệm vụ đột phá: Thứ nhất là quy hoạch, hạ tầng; thứ hai là thể chế và thứ ba là phát triển nguồn nhân lực, gắn với cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT. 

Trên cơ sở đó, tỉnh có 09 định hướng, tập trung các nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực chủ yếu: Phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới công tác vận động quần chúng và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Công tác quốc phòng - an ninh;

Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn Tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; Xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; Đẩy mạnh phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh tỉnh Hậu Giang;

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; Nâng cao chất lượng dân số và dịch vụ y tế; Đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học - công nghệ.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang vừa rồi cũng xác định mục tiêu "dài hơi" phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, vậy địa phương phải làm gì để cụ thể hóa mục tiêu này thưa ông?

Đối với tỉnh khó khăn và không có nhiều lợi thế như Hậu Giang, chắc chắn tỉnh phải đối mặt với muôn vàn thách thức như: Tình hình biến đổi khí hậu; sạt lở đất, xâm nhập mặn, nước biển dâng; các loại dịch bệnh; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nguồn lực đầu tư còn hạn chế; nguồn nhân lực yếu, thiếu lao động chất lượng cao…

Do đó, Tỉnh lựa chọn cách tiếp cận mới trong phát triển kinh tế hiện nay là xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, đa chiều, liên kết tất cả các lĩnh vực kinh tế, thành phần kinh tế để tận dụng thế mạnh của nhau cùng phát triển. Vì vậy, mục tiêu tổng quát của tỉnh về phát triển các lĩnh vực kinh tế trong giai đoạn tới là ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch. 

Phát triển công nghiệp nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, các yêu cầu về chủng loại, mặt hàng để đáp ứng yêu cầu đầu vào của các nhà máy chế biến nông sản, của thị trường. Song song đó, phải phát triển lĩnh vực thương mại để giải quyết vấn đề thị trường cho nông sản. Tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản vì đây là lĩnh vực tỉnh còn yếu và phải gắn với sản xuất và tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh. Như vậy, mới có thể phát huy tốt được tiềm năng, lợi thế của tỉnh về phát triển nông nghiệp trong bối cảnh mới hiện nay.

Bên cạnh công nghiệp chế biến, tỉnh thu hút những ngành công nghiệp công nghệ cao như công nghiệp chế tạo, năng lượng tái tạo (điện gió, điện khí, địa nhiệt…), và một số ngành công nghiệp ít gây tác động tới môi trường nhằm tạo giá trị kinh tế lớn, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững KT-XH của tỉnh nhà.

Để phát triển KT-XH nhanh, bền vững, Tỉnh lựa chọn 3 nhóm nhiệm vụ đột phá để tập trung thực hiện, khát quát gồm: Thứ nhất là quy hoạch, hạ tầng; thứ hai là thể chế và thứ ba là phát triển nguồn nhân lực, gắn với cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT. 

Thứ nhất, phải nhận định được cho trúng, cho đúng tiềm năng, lợi thế của tỉnh là gì? Trên cơ sở đó đề ra tầm nhìn, định vị mục tiêu và đề ra định hướng phát triển của tỉnh trong giải đoạn phát triển mới. Chính vì vậy, Tỉnh xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong nhiệm kỳ tới là phải xây dựng hoàn thành và thực hiện nghiêm Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Cùng với quy hoạch, trong bối cảnh nguồn lực của tỉnh rất hạn chế, tỉnh  lựa chọn đầu tư hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông đặc biệt là vấn đề kết nối tỉnh với các địa phương khác trong khu vực, giữa các địa phương trong tỉnh, là yêu cầu tất yếu.

Trong nhiệm kỳ tới, Khu vực ĐBSCL sẽ phát triển mạnh mẽ các tuyến quốc lộ, kết nối liên vùng, sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư (cả trong và ngoài ngân sách); tỉnh chủ động nhận diện và nắm bắt thời cơ vàng này để phát triển. Trước tiên, phải tận dụng được lợi thế từ các tuyến quốc lộ sắp được đầu tư bằng việc đầu tư các tuyến tỉnh lộ kết nối với các tuyến quốc lộ, với các địa phương khác nhằm mở đường cho dòng vốn đầu tư, mở rộng không gian phát triển cho tỉnh; thu hút đầu tư hạ tầng các KCN của tỉnh đón nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm giành nguồn lực đầu tư cho các doanh nghiệp, hợp tác xã vì đóng góp tới hơn 84% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Thứ hai, Hậu Giang phải tự tạo ra lợi thế cạnh tranh cho chính mình thông qua công tác xây dựng, và hoàn thiện thể chế chính sách tại địa phương, nhất là hệ thống cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác, dễ tiếp cận, chi phí thấp. 

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, gắn với cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT phải thực hiện để hiện thực hóa mục tiêu phát triển. Phát triển nguồn nhân lực, phải đi cùng với cải cách hành chính, xây dựng CQĐT, tăng cường UDCNTT thì mới đồng bộ, đảm bảo phát huy hiệu quả cao.

Hậu Giang được tái lập trên cơ sở chia tách từ tỉnh Cần Thơ, đội ngũ cán bộ vừa thiếu về số lượng và vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Vấn đề khó khăn đặt ra cho Đảng bộ tỉnh là phải sử dụng đội ngũ hiện có để thực hiện thành công mục tiêu đưa tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá. Vừa qua, Tỉnh thực hiện tốt công tác xây dựng quy hoạch cán bộ hằng năm, chú trọng đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong cấp ủy, ban thường vụ và các chức danh lãnh đạo cơ quan, đơn vị; gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch cán bộ với công tác đào tạo cán bộ; công tác luân chuyển cán bộ là hình thức đào tạo đặc biệt và được Tỉnh thực hiện khá tốt trong thời gian qua.

Trong đánh giá cán bộ phải khách quan, toàn diện, nhưng cũng không khắt khe, cầu toàn, lấy sản phẩm, hiệu quả công việc làm cơ sở chính, chú ý đến yếu tố đặc thù. Đối với lĩnh vực địa phương còn thiếu, yếu thì tỉnh đã chủ động, đột phá để thu hút nhân sự chất lượng cao. Vừa qua, Tỉnh chủ động đề xuất xin biệt phái cán bộ từ trung ương về địa phương để hỗ trợ địa phương trong một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, pháp luật…; tỉnh cũng tích cực thực hiện thi tuyển các chức danh lãnh đạo. Đến nay, kết quả công tác của các đồng chí được biệt phái, thi tuyển rất tốt. 

{keywords}
Thành phố Vị Thanh

Xin chia sẻ thêm về công tác kiểm tra, giám sát triển khai nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã được thực hiện như thế nào trong thời gian vừa qua, và sẽ tiếp tục ra sao trong thời gian tới để quê hương Hậu Giang ngày càng phát triển, sớm trở thành một điểm sáng của vùng ĐBSCL?

Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực; cấp ủy các cấp và tổ chức đảng chỉ đạo toàn diện việc kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực còn yếu kém, dễ phát sinh tiêu cực, góp phần ngăn ngừa, phát hiện và khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm khi mới có dấu hiệu, làm hạn chế tiêu cực, giảm sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên.

Ủy ban Kiểm tra các cấp đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định theo phương châm kiểm tra có trọng tậm, trọng điểm, giám sát mở rộng. Một số nhiệm vụ thực hiện đạt kết quả cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Công tác giám sát đã phát huy hiệu quả, giúp cho tổ chức đảng, đảng viên nhận thấy và phát huy ưu điểm, đồng thời có giải pháp khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm; công tác giải quyết đơn thư tố cáo được thực hiện kịp thời, đúng quy định, đảm bảo tính khách quan, chính xác; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc, thủ tục.

Xử lý kỷ luật đối với đảng viên và tổ chức đảng vi phạm đảm bảo được tính công minh, chính xác và kịp thời, không có vùng cấm. Qua đó, đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Để góp phần đưa Hậu Giang ngày càng phát triển, sớm trở thành một điểm sáng của vùng đồng bằng Sông Cửu Long, trong thời gian tới cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Chỉ thị số 29-CT/TU, ngày 15/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật Đảng”; quan tâm đúng mức công tác “Hậu” kiểm tra, giám sát. Tập trung vào một số nội dung sau:

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải tập trung lãnh đạo đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng đến các tổ chức đảng và đảng viên để nhận thức đúng, đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát. Người đứng đầu cấp ủy phải nhận thức đầy đủ và chủ động quán triệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công tác kiểm tra, giám sát ở cấp mình; nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng để cụ thể hóa triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát cho phù hợp;

Ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp phải tổ chức thực hiện hoàn thành chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2020 - 2025 của cấp ủy và ủy ban kiểm tra; hằng năm có điều chỉnh, bổ sung nội dung, đối tượng kiểm tra, giám sát cho phù hợp với tình hình thực tế và sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy; tăng cường kiểm tra, giám sát cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện các nội dung theo chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

Tăng cường công tác kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi dễ xảy ra sai phạm, nơi có nhiều bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; xem xét xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Điều lệ Đảng theo đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục, thẩm quyền;

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát; coi trọng công tác dự báo tình hình vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên để chủ động có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả. Nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra của Chi bộ theo chỉ tiêu công tác kiểm tra hằng năm của Tỉnh ủy, góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 29-CT/TU;

Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các tổ chức đảng, cơ quan có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân đối với công tác kiểm tra, giám sát;

Các cấp ủy cần tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn đủ số lượng và đảm bảo chất lượng cán bộ làm công tác kiểm tra và cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp; đặc biệt là cấp cơ sở. Đảm bảo điều kiện, cơ sở vật chất làm việc cho ủy ban kiểm tra; thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với cán bộ kiểm tra.

Xin cám ơn ông Lê Công Khanh - Ủy viên ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy đã dành thời gian cho VietnamNet.

Trần Hảo thực hiện