Thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, năm 2020 UBND tỉnh Yên Bái triển khai hỗ trợ 850 triệu đồng. Đây là nguồn kinh phí hỗ trợ giảm nghèo về thông tin theo Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2020 để hỗ trợ phương tiện nghe - xem cho 170 hộ nghèo thuộc các dân tộc ít người; hộ nghèo tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn của 8 huyện, thị.

{keywords}
Hỗ trợ thiết bị nghe, xem cho 170 hộ nghèo ở Yên Bái

Mỗi hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 1 bộ thiết bị gồm 1 ti vi, 1 thiết bị thu tín hiệu truyền hình vệ tinh và cáp nối.

Hiện, các huyện, thị đã và đang triển khai việc hỗ trợ và lắp đặt phương tiện cho các hộ đảm bảo theo đúng quy định, giúp các hộ nghèo có điều kiện tiếp cận thông tin nhiều hơn nữa, nâng cao trình độ dân trí và học tập ứng dụng khoa học kỹ thuật để thoát nghèo bền vững.

Được biết, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và những giải pháp căn cơ bài bản, năm 2019 đã có 13.682 hộ nghèo thoát nghèo, giảm tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn 25.086 hộ, chiếm tỷ lệ 11,56% số hộ. Bên cạnh giảm hộ nghèo, có thêm 7.909 hộ thoát cận nghèo, còn 20.514 hộ, chiếm tỷ lệ 9,45%.

Từ kết quả ấn tượng đó, năm nay, tỉnh đề ra  mục tiêu giảm 8.479 hộ nghèo, tương đương 4% số hộ, trong đó, nhiệm vụ mới đặt ra là: phấn đấu không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công (với 634 hộ, phấn đấu hỗ trợ nhà cho 105 hộ).

Để đạt được mục tiêu trên, theo kế hoạch, tổng kinh phí triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2020 của tỉnh dự kiến là 6.271.295 triệu đồng; trong đó, vốn trung ương ước khoảng 1.772.807 triệu đồng; địa phương khoảng 35.364 triệu đồng; vốn NGO, ODA ước khoảng 764.490 triệu đồng; vốn huy động cộng đồng doanh nghiệp khoảng 29.634 triệu đồng; vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội 3.354.000 triệu đồng.

Như vậy, việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống; trong đó, tập trung đầu tư cải tạo kết cấu hạ tầng thiết yếu như: điện, đường giao thông, trạm y tế, trường học… gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Cùng đó, các chính sách tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo tiếp cận với dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin sẽ được triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả.

Hoài Linh
Ảnh: Anh Dũng