Khí thế thi đua sôi nổi

Mặc dù còn rất nhiều những vướng mắc, khó khăn, nhưng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Hòa Liên đã dấy lên khí thế thi đua sôi nổi. Nhờ đó, đầu năm 2020 mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành quyết định công nhận xã Hòa Liên đạt chuẩn nông thôn mới.

Hòa Liên nằm ở vùng Tây Bắc Hòa Vang, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 22km; xã có 13 thôn với tổng diện tích tự nhiên 3.949,54 ha, 15.534 nhân khẩu. Ông Trương Tấn Mạnh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Liên chia sẻ, nét nổi bật của xã là công tác phát triển sản xuất ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân.

{keywords}
Hòa Liên khởi sắc nhờ nông thôn mới

Cho đến nay, tổng diện tích sản xuất canh tác lúa của Hòa Liên là 425 ha, năng xuất bình quân đạt gần 59 tạ một ha, xã đã chú trọng vào sản phẩm gạo nếp đắng tại hai thôn Hưởng Phước và Hiền Phước và lúa hữu cơ tại các thôn Trường Định, Vân Dương và Hưởng Phước. Các loại cây hoa màu khác như bắp, lạc, khoai lang, mía, rau cũng được chú trọng phát triển ở các diện tích đất phù hợp.

Đặc biệt, toàn xã có hơn 9ha phát triển nghề trồng hoa, hàng năm đạt tổng doanh thu gần 10 tỷ đồng. Đến nay đã xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm nếp đắng hữu cơ Hòa Liên và vùng sản xuất lúa - dưa Trường Định theo tiêu chuẩn VietGap.

Chăn nuôi cũng là một thế mạnh, toàn xã có 236 con trâu, 1.621 con bò, 4.112 con heo, 43.434 con gà, vịt, 90 con dê. Trong năm 2019, giá trị các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt trên 127 tỷ đồng, thu nhập ngành này chủ yếu là lao động địa phương làm việc tại các khu công nghiệp và chế biến gia công các mặt hàng nông sản, thực phẩm, gỗ và cơ khí, hoạt động xây dựng.

Bên cạnh đó, ngành nghề buôn bán kinh doanh nhỏ lẻ tăng nhanh, toàn xã hiện có hơn 633/4.175 hộ tham gia hoạt động thương mại, chiếm tỷ lệ 15%. Giá trị thương mại dịch vụ ước đạt hơn 133 tỷ đồng, tốc độ tăng một phần do Nhà nước thu hồi đất cho các dự án, nên người dân chuyển đổi ngành nghề, các chợ, ven các trục lộ, các khu tái định cư phát triển dịch vụ thương mại, các loại hình buôn bán nhỏ, tạp hóa, ăn uống, vận tải, xây dựng, cơ khí... đã góp phần tăng trưởng cho lĩnh vực này.

Thu nhập ổn định nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Tại Hòa Liên, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp không còn đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu kinh tế. Nhưng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả như: hoa, cây cảnh, nuôi tôm nước lợ, cua trứng, dưa hấu, nếp đắng, trồng keo phủ xanh đồi trọc... đã đem lại hiệu quả năng xuất cao và tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Từ những kết quả trên, đời sống người dân từng bước được cải thiện, đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng một năm, tăng hơn 13 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đến nay đã giảm còn 21%.  Đánh giá về 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí như thu nhập được đánh giá cao.

Trong thời gian tới, Hòa Liên tiếp tục chú trọng phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện mới, giữ vững và nâng cao 19 tiêu chí đã đạt được trong quá trình đô thị hóa nông thôn. Mục tiêu tiến tới là tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, cải thiện môi trường sống.

Anh Phương
Ảnh: Diệu Bình