Những nền tảng quan trọng

TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có những đánh giá kết quả sau hơn 04 năm thực hiện Luật BHXH, những vấn đề đặt ra với xây dựng chính sách, pháp luật cũng như công tác tổ chức thực hiện để tiếp tục tạo nền tảng thực hiện BHXH toàn dân như sau:

Luật BHXH 2014 được xây dựng với định hướng mở rộng diện bao phủ BHXH; thể hiện rõ nhất qua các quy định như: thực hiện BHXH bắt buộc với lao động hợp đồng 01-03 tháng; bỏ quy định tuổi trần và hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện;…

Những quy định trên dần đi vào thực tiễn, tác động đến công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH. Tính đến hết năm 2019, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc chiếm tỷ lệ 32,2% (15.773.928 người) lực lượng lao động trong độ tuổi; tỷ lệ này ở BHTN là 27,4% (13.429.401 người). Số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2019 là 573.943 người, tăng hơn 02 lần so với năm 2018 và đạt tỷ lệ 1,2% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt kế hoạch đề ra trong Nghị quyết số 28.

{keywords}
Xây dựng một hệ thống An sinh xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đất nước. 

Luật BHXH 2014 có nhiều nội dung mới, vì vậy quá trình tổ chức thực hiện rất gian nan, phải theo lộ trình từng năm. Nhìn lại những kết quả đạt được, có thể thấy được nỗ lực rất lớn từ phía Ngành BHXH. Điều này được thể hiện trực tiếp qua kết quả phát triển đối tượng và đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, đem lại sự hài lòng của người dân.

Đơn cử như: thực hiện quy định bàn giao sổ BHXH cho người lao động theo quy định của Luật BHXH 2014, Ngành BHXH phải tiến hành rà soát lại toàn bộ dữ liệu tham gia BHXH của khoảng 14 triệu người đang tham gia, đồng bộ với dữ liệu 24 triệu hộ gia đình, khoảng 85 triệu người đang tham gia BHYT, từ đó cấp mã số BHXH duy nhất.

Khối lượng công việc rất lớn, kết quả đạt được không chỉ là hoàn thành việc bàn giao sổ BHXH, quan trọng hơn là xây dựng kho dữ liệu an sinh của gần như toàn bộ dân số, là nền tảng quan trọng thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu nghiệp vụ của Ngành BHXH (thu, cấp sổ, thẻ, giải quyết chế độ) và phục vụ công tác quản lý, xây dựng chính sách...

Bên cạnh đó, sự phối hợp của các Bộ, ngành và nhất là sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, tạo động lực mạnh mẽ trong phát triển BHXH. Đây là kết quả từ quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 và Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Cải cách chính sách BHXH. Hiệu quả được thấy rõ qua việc cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, xác định mục tiêu phát triển số người tham gia BHXH qua từng năm, từng giai đoạn, chỉ đạo sát sao công tác truyền thông, vận động người dân tham gia...

Đây là những bài học kinh nghiệm quan trọng trong giai đoạn qua và cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới, nhất là quá trình tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW với những mục tiêu phát triển cụ thể đến năm 2025, 2030.    

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Tuy nhiên, đích đến BHXH toàn dân còn khá xa, hiện mới chỉ khoảng 32% lực lượng lao động tham gia BHXH. Vì vậy, công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách và tổ chức thực hiện phải hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cả về số lượng và chất lượng; cụ thể là tăng trưởng về số tham gia và duy trì sự tham gia dài hạn để đủ điều kiện nhận lương hưu, từ đó tiến dần đến mục tiêu cao hơn là có thể sống tốt bằng lương hưu.

Các định hướng lớn về xây dựng chính sách, hoàn thiện pháp luật đã được nêu rất cụ thể trong Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Cải cách chính sách BHXH. Dù vậy, quá trình luật hóa cũng cần thận trọng, thực hiện theo lộ trình, nhất là các vấn đề phức tạp, cần nghiên cứu kỹ, đánh giá toàn diện những tác động, đảm bảo phù hợp với thực tiễn.       

Tương tự, với công tác tổ chức thực hiện, Nghị quyết 28-NQ/TW đã đưa ra những mục tiêu cụ thể, nhất là về nâng cao tỷ lệ hài lòng của người tham gia, giảm số giờ giao dịch… Cơ quan BHXH cần có các giải pháp tổng thể, bảo đảm thực hiện các mục tiêu này hiệu quả, mục đích cuối cùng là bảo đảm quyền lợi của người dân, nâng cao niềm tin của người dân với chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác truyền thông vì vậy phải được chú trọng nhiều hơn, hiệu quả có thể được đo lường bằng các tiêu chí cụ thể, chẳng hạn tăng số tham gia BHXH tự nguyện, giảm số nhận BHXH một lần…                  

Tựu chung lại, có rất nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu BHXH toàn dân, nhiều vấn đề đặt ra với xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật và công tác tổ chức thực hiện. Cần nhấn mạnh rằng, với cả xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện, công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn có vai trò quan trọng, nhất là với những vấn đề mới đã và đang đặt ra trong công tác cải cách chính sách BHXH.

Với bất kỳ chính sách nào cũng vậy, qua quá trình thực hiện luôn phải đặt ra vấn đề sửa đổi các quy định pháp luật để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế. Trong quá trình đó, công tác nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn là cơ sở quan trọng để hoàn thiện Luật.

Với tính chất đặc thù, liên quan đến nhiều nhóm đối tượng, ảnh hưởng đến người lao động trong khoảng thời gian dài, công tác nghiên cứu lý luận, thực tiễn về BHXH càng phải được chú trọng nhiều hơn.

Sửa đổi, bổ sung một số quy định về bảo hiểm thất nghiệp

Sửa đổi, bổ sung một số quy định về bảo hiểm thất nghiệp

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.  

Th. Hân, Th. Bình
Ảnh: Th. Thiện