Vợ chồng chị Lê Thị Thanh (SN 1976, Vĩnh Phúc) và anh Nguyễn Minh Phú (SN 1973) đang sở hữu 3 tiệm bánh ngọt và 1 căn biệt thự rộng lớn ở Hà Nội, cuộc sống sung túc.

Cách đây nhiều năm, hai vợ chồng là những nông dân nghèo, rời nông thôn về thành thị kiếm miếng cơm, manh áo.

Quãng đời gian khổ

Chị Thanh chia sẻ, gia đình chị làm nông nghiệp, quanh năm chăm chỉ trồng cấy vẫn thiếu thốn trăm bề.

Những năm 90 của thế kỷ trước, hơn 10 tuổi, chị theo người quen xuống Hà Nội mưu sinh.

Ở nơi đất khách, quê người, chị xin làm đủ thứ việc, miễn sao người ta cho chị miếng cơm, chút đồng bạc lẻ.

{keywords}
Chị Lê Thị Thanh

Chị tham gia bán báo rong trong Tổ bán báo xa mẹ của vợ chồng bác Vũ Tiến và Vũ Thị Ngọc Oanh ở số nhà 13 Ngô Văn Sở (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tại đây, chị gặp anh Phú, cũng là thành viên của Tổ bán báo xa mẹ. Hai mảnh đời chung cảnh ngộ gặp nhau, họ đơn thuần giúp đỡ nhau như người bạn tốt. Sau đó, họ nảy sinh tình cảm.

Năm 1994, chị Thanh và anh Phú về quê tổ chức đám cưới, trở lại với cuộc sống đồng ruộng, trồng hoa màu.

Quãng thời gian chị Thanh mang thai con gái đầu lòng, chẳng có điều kiện tẩm bổ, ăn uống như người ta.

Cuộc sống đã nghèo, đứa con ra đời, gánh nặng kinh tế càng đè xuống. Căn nhà hỏng hóc, không có tiền sửa chữa.

Lúc con ốm, con đau, anh chị bán đi chiếc xe đạp - tài sản quý nhất trong nhà. Gạo ăn đong từng bữa.

“Cảnh làm nông vất vả, đầu tắt mặt tối, ngày tôi mang thai, bụng to vượt mặt vẫn ra đồng làm. Con được vài tháng, hai vợ chồng tôi lại đưa nhau ra Hà Nội, tìm cơ hội đổi đời”, chị Thanh nhớ lại.

Vợ chồng chị Thanh quay lại tá túc nhờ ở Tổ bán báo xa mẹ (nay là Gia đình trẻ xa mẹ).

Chị Thanh mở quán nước chè trước cửa nhà ông bà Tiến – Oanh còn anh Phú ra sân bay Nội Bài bán báo. Sau một thời gian, hai vợ chồng kiếm được chút vốn nhỏ, ra ngoài thuê nhà, chính thức bắt đầu cuộc sống tự lập.

‘Anh Phú hay tâm sự với tôi: Mình nhờ bác Tiến một thời gian dài, cũng đến lúc phải tự đi bằng đôi chân mình, cả cuộc đời không thể ỉ lại vào người khác mãi được’, chị Thanh kể. Rời Tổ bán báo xa mẹ, hàng ngày, vợ chồng chị tiếp tục công việc bán báo.

Chị Thanh ôm con, rong ruổi khắp nơi, từ sáng sớm đến tối mịt. Đôi lần, nhìn những đứa trẻ khác, đi chơi cùng bố mẹ, lòng chị lại trùng xuống, nghĩ thương con.

Con người ta mưa “không đến mặt, nắng không đến đầu”, ăn uống đầy đủ nhưng con chị gầy quắt vì thiếu chất. Những ngày bán ế, hàng tồn, anh chị nhịn đói đi ngủ, để dành tiền cho con.

"Gian khổ là vậy nhưng chưa bao giờ chúng tôi buông xuôi hay nản lòng.

Lúc nào anh Phú cũng động viên, bảo đời mình đã khổ, đừng để con nó giống mình. Vợ chồng tôi dìu nhau qua những năm tháng giông bão như thế”, người phụ nữ sinh năm 1976 kể tiếp.

Thoát nghèo nhờ học nghề làm bánh

Sau thời gian bán báo ở Hà Nội, anh Phú quen biế 1 số tòa soạn báo, bắt mối, lấy báo tận gốc tại các nhà in rồi đi giao lại cho ‘hệ thống’ của mình.

Tuy lãi không nhiều nhưng nhờ số lượng báo tiêu thụ lớn nên có lợi nhuận. 

‘Hà Nội ngày xưa, người bán hàng rong rất đông. Mỗi ngày, tôi giao được hơn 10 vạn tờ báo. Ngày nắng cũng như mưa, cứ 4 giờ sáng tôi rời khỏi nhà, rong ruổi trên chiếc xe máy cà tàng, chở chồng báo cao hơn cả đầu người đến tay người bán lẻ', anh Phú kể.

Bên cạnh việc bán báo, anh Phú xoay đủ nghề, từ buôn nhãn, vải lên cửa khẩu, buôn đồ gia dụng Trung Quốc, tranh treo tường về dưới xuôi, máy xoa bóp, quần áo… Tuy vậy, thu nhập của họ vẫn bấp bênh.

‘Tôi thấy người ta buôn hoa quả thắng đậm. Tôi cũng gom vốn đi buôn nhãn, buôn vải trên Bắc Giang. Vậy mà nhãn đúng năm được mùa, hàng bị ép giá xuống thấp, tôi phải ăn ngủ vạ vật trên cửa khẩu hàng tuần, đến khi tìm mối bán được giá thì số nhãn trên xe bị thối hỏng hết.

Cuối cùng chuyến đi buôn thất thu, tôi về xuôi với hai bàn tay trắng. Vợ chồng cười như mếu, động viên nhau vượt qua cơn bĩ cực’, anh Phú bồi hồi chia sẻ.

Năm 1997, vợ chồng anh Phú sinh con gái thứ 2, kinh tế eo hẹp khi nhà có thêm miệng ăn. ‘Anh Phú nói với tôi, nghề bán báo giúp chúng tôi khởi nghiệp nhưng không thể cả đời sống vào công việc này được. Một lần, ngồi cùng mấy người bạn làm nghề bánh, anh nảy ra ý tưởng, cho tôi đi học làm bánh, biết đâu có cơ hội đổi đời’, người phụ nữ sinh năm 1976 nhớ lại.

{keywords}
Vợ chồng chị Thanh cùng ông Vũ Tiến - ân nhân của gia đình

Qua người quen giới thiệu, chị Thanh xin được vào trường dạy nghề Hoa Sữa. Kết thúc khóa học, cũng là lúc một khách sạn cao cấp ở Hà Nội cần tuyển người, chị Thanh may mắn nằm trong số thợ có tay nghề, trúng tuyển đợt đầu tiên.

Thu nhập ổn định, chị học nâng cao tay nghề. Sau vài năm, đúc rút cho bản thân nhiều kinh nghiệm, năm 2008, vợ chồng chị Thanh quyết định làm một việc táo bạo.

Chị xin nghỉ việc ở khách sạn dù nơi này cho chị nguồn thu nhập khá cao. Hai vợ chồng vay mượn khắp nơi, mở tiệm bánh đầu tiên trên phố Mã Mây (khu phố cổ).

Vợ làm bánh, chồng phụ trách quản lý, tiếp thị kiêm giao hàng… Từ thắng lợi này, anh chị tiếp tục vay mượn, mở cửa hàng thứ 2 ở Đội Cấn, thuê thêm người làm. Ai ngờ, lần này gặp thất bại, hai vợ chồng ôm khoản lỗ lên đến 300 triệu đồng.

‘Nợ nần chồng chất, tôi ôm mặt khóc. Chồng bạc cả tóc. Sau nhiều đêm không ngủ, hai vợ chồng lại gắng gượng làm việc trả nợ’, chị Thanh ngậm ngùi kể lại.

Theo thời gian, những khó khăn lui dần. Tay nghề làm bánh ngày một cao, cộng với duyên kinh doanh, hai vợ chồng chị Thanh nhận được nhiều mối hàng lớn. Mỗi ngày có hơn 20 nhà hàng, khách sạn đặt chị làm bánh.

Ngoài cửa hàng chính trên đường Thanh Niên, hiện vợ chồng chị mở thêm 2 tiệm bánh ngọt, nằm tại các con phố sầm uất ở Hà Nội.

Từ hoàn cảnh nghèo khó, phải đi tha phương cầu thực nơi đất khách, vợ chồng chị đã sở hữu cơ ngơi đáng nể. Ba đứa con được học những ngôi trường quốc tế với học phí đắt đỏ.

Chị tiết lộ, thu nhập tại 3 cửa hàng đủ để gia đình sống sung túc và đi làm từ thiện.

Bên cạnh sản xuất bánh ngọt, chị Thanh tiếp nhận dạy học nghề cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn ở nông thôn ra.

{keywords}
Các học viên trong bếp bánh của chị Thanh

Chị Thanh hi vọng, sẽ giúp được nhiều người có hoàn cảnh như mình ngày xưa. Hi vọng họ có động lực, vươn lên trong cuộc sống. “Có người đến xin học hỏi tôi: “Em làm ruộng, tay chân không khéo léo, liệu có học được không?”.

Tôi bảo họ, cái gì cũng có thể học được, quan trọng là có ý chí và quyết tâm. Đến nay, em đã ra nghề, có công việc tại bếp bánh ở khách sạn”, chị chia sẻ.

Bảo Phùng