Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Lào Cai đã đưa công tác truyền thông, giáo dục phòng chống mua bán người vào xây dựng các chương trình công tác trọng tâm cả nhiệm kỳ và hàng năm.

Qua đó, xây dựng các kế hoạch phối hợp thực hiện đợt cao điểm phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ trẻ em, kế hoạch xây dựng mô hình điểm phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em và chỉ đạo các cấp hội triển khai, tổ chức thực hiện.

{keywords}
Các nạn nhân bị mua bán ở Lào Cai được hỗ trợ học nghề. 

Kết quả trong 5 năm, Hội LHPN tỉnh đã biên soạn, xuất bản 20.000 tờ rơi, 1.000 tranh áp phích nội dung phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em, phát hành tới cơ sở làm tài liệu tuyên truyền, sinh hoạt. Xây dựng và in sao 5 loại/100 băng đĩa truyền thông nội dung phòng chống bạo lực gia đình và phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em.

Hội LHPN tỉnh khai thác nguồn lực hỗ trợ xây dựng được 3 bộ tranh khổ to/90 pano trưng bày (mỗi bộ gồm 30 tranh bằng chất liệu cứng, có giá đỡ tháo rời) với chủ đề phòng chống mua bán người được sử dụng trưng bày lưu động tại một số thôn/bản, xã/thị trấn, dùng trong các phiên chợ, chiến dịch truyền thông thu hút đông người, nơi tập trung đông dân cư.

Các cấp Hội phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và tỉnh tuyên truyền nhiều tin bài phòng chống mua bán người. Đặc biệt duy trì đều đặn Cổng thông tin điện tử Hội LHPN tỉnh và các chuyên mục "Phụ nữ và cuộc sống", "Phụ nữ vùng cao hôm nay" bằng 4 thứ tiếng Mông, Dao, Dáy, Kinh trên sóng phát thanh, sóng truyền hình tỉnh với nhiều nội dung, nhiều số tập trung vào chủ đề phòng chống mua bán người.

Cùng với tuyền truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, các cấp Hội tập trung vào tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền miệng tại cộng đồng. 100% các cơ sở Hội, chi, tổ phụ nữ đều đưa nội dung phòng chống mua bán người vào tổ chức tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt phụ nữ định kỳ. 

Lồng ghép nội dung phòng chống mua bán người vào 20 hội thi, giao lưu, liên hoan cấp tỉnh và cấp huyện/thành phố do Hội tổ chức như giao lưu Chi hội trưởng phụ nữ, Hội thi tuyên truyền viên "5 không, 3 sạch"... 

Các cấp Hội quan tâm tới công tác tư vấn, giải quyết đơn thư; vận động nhân dân tố cáo, phát giác tội phạm. Đồng thời làm việc, có ý kiến với các ngành liên quan trong công tác điều tra, truy tố, tham gia các phiên toà xét xử tội phạm mua bán người, bảo vệ quyền lợi cho người bị hại.

Bên cạnh đó, Hội đã xây dựng, duy trì và củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên về phòng chống mua bán người là cán bộ Hội và các ngành liên quan, hội viên nòng cốt, người có uy tín trong cộng đồng, bí thư chi bộ, trưởng/phó thôn bản và một số người có người nhà bị mua bán hoặc chính là nạn nhân bị mua bán trở về.

Tổ chức 3 lớp đào tạo giảng viên nguồn và đào tạo nâng cao cho 32 lượt giảng viên, báo cáo viên; 71 lớp tập huấn đào tạo 3.200 lượt tuyên tuyền viên chương trình phòng chống mua bán người; 268 lớp tập huấn lồng ghép nội dung phòng chống mua bán người với các nội dung chuyên đề khác cho 10.300 lượt học viên là cán bộ, hội viên Hội LHPN các cấp và các ngành liên quan các cấp…

Để phụ nữ, trẻ em không trở thành nạn nhân của mua bán người, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp tổ chức 21 lớp dạy nghề cho 961 phụ nữ, giới thiệu và tạo việc làm cho 210 phụ nữ.

Phối hợp với Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh và các ngành liên quan, các cấp Hội đã tổ chức tiếp nhận nạn nhân bị mua bán qua biên giới trở về, tư vấn hỗ trợ tâm lý, sức khỏe cho 57 chị em. Tư vấn giới thiệu 14 nạn nhân về sinh hoạt và học nghề qua Ngôi nhà bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ & Phát triển, Trung ương Hội LHPN Việt Nam.

Từ dự án Ngôi nhà bình yên của Trung ương Hội, 7 nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp nhận gói hỗ trợ hồi gia sau học nghề (như máy may, máy làm tóc, tủ lạnh, máy say sinh tố...) trị giá gần 100 triệu đồng, giúp chị em có nghề nghiệp, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống.

Minh Phúc