Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong 5 tháng đầu năm, khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt, TPHCM ghi nhận được những tín hiệu khởi sắc về kinh tế.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả tích cực trên, kinh tế TPHCM cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Theo số liệu theo dõi của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH), từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TPHCM có 1.365 doanh nghiệp (DN) báo cáo gặp khó khăn do dịch COVID-19, với hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc; 410 DN có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân. Có 2.274 DN hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 4,99% so với cùng kỳ); có 9.308 DN tạm ngưng hoạt động (tăng 22,99% so với cùng kỳ)...

Phát biểu tại hội nghị, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (Huba) cho biết, để vượt khó, thích ứng với tình hình dịch bệnh, thời gian qua, các DN của Thành phố đã tái cấu trúc DN, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, phát triển thương mại điện tử (TMĐT)..

Mặc dù vậy, theo khảo sát của Huba, hiện nay, 84% DN nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4; 90% số DN  thiếu vốn kinh doanh, 52% số DN phải cắt giảm lao động.

Một số ngành công nghiệp trọng yếu đã kết nối được thị trường nhưng gặp khó khăn về vốn, đặc biệt, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đang gây áp lực rất lớn lên doanh nghiệp. Một số DN phản ánh cũng gặp khó khăn do khâu kiểm soát dịch bệnh khi lưu thông hàng hóa từ TPHCM về các địa phương.

Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 cũng là nổi lo thường trực của các DN, vì nếu có công nhân bị cách ly sẽ ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất.

Trước thực tế nêu trên, Hiệp hội DN TPHCM cũng đề nghị lãnh đạo TPHCM kiến nghị Chính phủ có cơ chế, kế hoạch và lộ trình thật cụ thể về Chương trình tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho công nhân, người lao động. Đồng thời tạo điều kiện và hướng dẫn các DN có điều kiện có thể chủ động sớm mua vaccine tiêm phòng cho công nhân của mình.

TPHCM sớm ban hành gói hỗ trợ riêng của Thành phố, quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm các yếu tố chi phí sản xuất cho DN (tiền điện, chi phí vận chuyển, phí giao thông, cảng biển), chăm lo công tác an sinh xã hội cho công nhân mất việc, phải ngừng nghỉ chờ việc theo cách của TPHCM.

{keywords}
Huba đề xuất TPHCM nghiên cứu, chủ động nguồn vaccine Covid-19 nhằm sớm triển khai tiêm diện rộng cho người lao động, nhất là tại các khu cụm công nghiệp, các DN sản xuất ngành trọng yếu của TPHCM – nơi có nguy cơ cao. Ảnh Quốc Tiến

Hỗ trợ các DN phải bố trí nhà ở, khu lưu trú tạm cho công nhân để duy trì sản xuất do chấp hành các quy định cách ly xã hội; hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động chuyển nghề do mất hay thay đổi việc làm, nâng cao tay nghề để có thể tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi sản xuất…

Về phía ngân hàng, tiếp tục xem xét, nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi (thấp hơn) giúp cho DN sản xuất bớt khó khăn; khuyến khích ngân hàng cho vay bằng hình thức tín chấp đối với một số ngành khó khăn do dịch bệnh

Cùng với đó, Huba đề xuất TPHCM nghiên cứu, chủ động nguồn vaccine Covid-19 nhằm sớm triển khai tiêm diện rộng cho người lao động, nhất là tại các khu cụm công nghiệp, các DN sản xuất ngành trọng yếu của TPHCM – nơi có nguy cơ cao. TPHCM kiến nghị  Bộ Y tế hỗ trợ cho phép DN chủ động mua test nhanh COVID-19 để test cho người lao động.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Phụ trách Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, NHNN chi nhánh Thành phố sẽ chỉ đạo các ngân hàng thực hiện theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN ( có hiệu lực từ 17/5) sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí và giữ nguyên nhóm nợ để tiếp tục hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Dự kiến cuối năm khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng dự nợ tín dụng được hưởng lợi  từ thông tư này, với hàng trăm nghìn DN được vay vốn.

Về cơ chế lãi suất cho vay hiện nay, ông Minh cho biết, NHNN quy định lãi suất cho vay ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên, trần lãi suất 4,5%/năm, đây là lãi suất ưu đãi, hợp lý, tương đương cho vay bằng ngoại tệ. Hiện nay, TPHCM có chương trình kết nối ngân hàng –DN, do NHNN và Sở Công Thương là 2 đơn vị thường trực làm việc này. DN có thể liên hệ để được hỗ trợ.

Về vấn đề Chuỗi cung ứng hàng hóa, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, đến thời điểm này, TPHCM đảm bảo chuỗi cung ứng cho người dân Thành phố và các tỉnh, thành phố lân cận.

Sở Công Thương cũng thống nhất với các DN tổ chức điểm bán hàng thay thế ( nhân viên phục vụ, cơ quan y tế đã kiểm soát), cho một số điểm ngưng hoạt động phòng chống dịch COVID-19.

Đối với các hội nghị kích cầu, xúc tiến thương mại, nếu DN khó khăn kinh phí, Sở Công Thương sẽ tham gia, hỗ trợ. Các hoạt động logistics, lương thực, thực phẩm, trong kỳ họp sắp tới, thành phố sẽ trình HĐND Thành phố xem xét đưa vào nhóm hỗ trợ kích cầu.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong giao Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM là đầu mối tổng hợp và chuyển các sở ngành, quận, huyện, TP. Thủ Đức giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN) với phương châm kịp thời nhanh chóng, hỗ trợ DN là trên hết

Đề nghị Huba thường xuyên trao đổi với DN, ghi nhận vướng mắc, khó khăn của DN để có kiến nghị cho các sở ngành, quận huyện, giải quyết nhanh chóng, kịp thời.

Ông Phong cũng cho biết, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Thành phố đã lập tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức làm tổ trưởng để đàm phán và mua vaccine tiêm cho người dân Thành phố trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, nguồn cung vaccine còn hạn chế, nên chúng ta phải có lộ trình, tiêm ưu tiên cho nhóm đối tượng nào trước.

 Nguyễn Liên