Xã Sông Ray nổi tiếng là vùng trồng cây dâu tằm và lúa nước lớn nhất huyện Cẩm Mỹ.

Ông Ngô Bá Hóa, sống tại ấp 10 cho biết, trước đây, người dân sinh sống ven sông, suối đã biết tận dụng nguồn nước để nuôi cá. Tuy nhiên, do nguồn nước không ổn định, nuôi nhỏ lẻ và không tuân theo quy trình kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Nhưng từ khi các công trình thủy lợi dẫn nước từ các con suối và hồ chứa trên sông Ray về đồng ruộng đi vào hoạt động ổn định, nghề nuôi cá ao cũng phát triển mạnh.

Theo thống kê, hiện tại, xã Sông Ray có gần 400 hộ nuôi cá nước ngọt trong ao với tổng diện tích 70ha. Lợi nhuận trung bình từ 70-100 triệu đồng/ha/năm.

{keywords}
Huyện Cẩm Mỹ: Cuộc sống ổn định nhờ phát triển vùng cá nước ngọt. 

Bà Bùi Thị Liên, Phó chủ tịch UBND xã Sông Ray cho rằng, nghề nuôi cá trong ao đang mở ra hướng đi mới cho hàng trăm hộ dân và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn xã. “Để hỗ trợ các hộ nuôi cá, xã đã mở các buổi tập huấn kỹ thuật nuôi cho bà con. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã cũng làm cầu nối để hỗ trợ nông dân vay vốn đầu tư mở rộng diện tích ao nuôi” - bà Liên nói.

Nhờ sự quan tâm và định hướng phát triển của chính quyền địa phương, nhiều hộ nuôi cá ở Sông Ray đã chuyển từ hình thức nuôi truyền thống sang hướng VietGAP để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Từ kinh nghiệm thực tế, bà Đồng Thị Hường, sống tại ấp 10 cho biết, so với cách nuôi truyền thống, mô hình nuôi cá VietGAP cho cá ăn lượng cám vừa phải, định kỳ cho nước ở ngoài kênh mương vào ao; sau mỗi đợt thu hoạch không thả cá giống ngay mà phải khử trùng ao nuôi bằng vôi bột, phơi bùn khoảng 2 tuần để hạn chế mầm bệnh cho cá. Hiện tại ao nuôi có diện tích mặt nước gần 5ha của bà Hường cho thu hoạch 35-40 tấn cá lóc/năm. Với giá bán trung bình 50 ngàn đồng/kg, bà Hường thu về hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận khoảng 1/3.

Ông Vũ Hồng Quảng, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi cá VietGAP xã Sông Ray, cho biết, đã có 11 thành viên với hơn 10ha ao nuôi được chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP. Theo đánh giá của tổ hợp tác, nuôi theo quy trình VietGAP ít bị dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, tiết kiệm được lượng thức ăn và quan trọng hơn là đầu ra ổn định, giá cao hơn. “Hiện tại, nhiều hộ dân đang áp dụng nuôi cá theo quy trình kỹ thuật GAP. Chúng tôi hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc cá, chừng nào được chứng nhận tiêu chuẩn GAP chúng tôi mới tiến hành kết nạp tổ viên” - ông Quảng cho hay.

Theo bà Bùi Thị Liên, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sông Ray, hiện tại địa phương đã thành lập được 1 tổ hợp tác nuôi cá sạch ở ấp 10. Tới đây sẽ thành lập tổ hợp tác nuôi cá ở các ấp khác và liên kết các tổ để thành lập HTX. “Mô hình nuôi cá sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, chúng tôi đang khuyến khích người dân chăn nuôi theo mô hình nông nghiệp sạch để có sản phẩm chất lượng, đầu ra tốt hơn” - bà Liên cho biết.

Văn Thường