Huyện Thống Nhất đang nỗ lực thúc đẩy các mô hình hợp tác xã phát triển, đề ra giải pháp giúp người dân nói chung và các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể nói riêng tạo được sự liên kết trong phát triển kinh tế thông qua hoạt động hợp tác xã.

Xây dựng chuỗi liên kết

Huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai hiện có 25 hợp tác xã đang hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ, vận tải, môi trường.

{keywords}
Huyện Thống Nhất: Nâng cấp hợp tác xã nhờ triển khai nông thôn mới. Ảnh minh họa

Là một trong 8 hợp tác xã hoạt động hiệu quả những năm gần đây, hợp tác xã Vườn Xanh tại xã Xuân Thiện, chuyên mua bán các loại nông sản, trong đó chủ yếu là các loại trái cây tại địa phương như: ổi, chôm chôm, bưởi... Hiện nay, thị trường của hợp tác xã Vườn Xanh là hệ thống bán lẻ tại các siêu thị lớn.

Với sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và hợp tác xã, phần lớn nông sản trên địa bàn xã Xuân Thiện đều do hợp tác xã Vườn Xanh bao tiêu sản phẩm. Trung bình tổng sản lượng tiêu thụ mỗi năm là trên 3 ngàn tấn trái cây (chôm chôm và sầu riêng), chiếm trên 53% tổng sản lượng trái cây toàn xã.

HTX Rau sạch Tân Yên (xã Gia Tân 3) cũng nằm trong tốp những hợp tác xã hiệu quả của huyện bởi HTX này đã tiêu thụ phần lớn lượng rau trồng tại cánh đồng rau Tân Yên có diện tích hàng trăm ha.

Theo các nông dân trồng rau, nhờ sự liên kết nên nông dân yên tâm sản xuất, không còn lo lắng về vấn đề tiêu thụ. Một số nông dân còn trồng theo đơn đặt hàng của hợp tác xã để có nguồn rau ổn định.

Khi người nông dân cam kết sản xuất rau sạch để cung cấp cho hợp tác xã, tạo nguồn rau an toàn nên số lượng rau sản xuất ra bao nhiêu cũng được tiêu thụ hết. Khi có nguồn hàng ổn định, hợp tác xã mới dám mạnh dạn ký những hợp đồng cung cấp sản phẩm lớn hơn, tạo đầu ra ngày càng rộng.

Tìm hướng đi chung

Việc tìm một hướng đi chung cho các hợp tác xã đang là bài toán được địa phương đặt ra nhằm tạo tiền đề cơ bản để vận động xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm.

Theo thống kê của Phòng Tài chính - kế hoạch huyện Thống Nhất, các hợp tác xã trong những năm qua đang khắc phục dần những tồn tại, khuyết điểm. Kinh tế hợp tác xã bước đầu đã góp phần tích cực vào việc cung ứng dịch vụ kịp thời đến bà con nông dân, làm cầu nối và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, giúp bà con nông dân đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm ở nông thôn, hỗ trợ cho kinh tế hộ gia đình phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Tuy nhiên, theo Phòng Tài chính - kế hoạch, việc phát triển và tổ chức sản xuất đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về vốn, công nghệ cũng như trình độ quản lý. Sản phẩm nông nghiệp chưa thật sự ổn định khiến cho công tác tiêu thụ còn gặp khó.

Để các mô hình hợp tác xã phát triển trong thời gian tới, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Nguyễn Đình Cương cho rằng, ở một số hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng hoạt động yếu, hiệu quả kinh doanh thấp và chưa có chiều hướng phát triển tốt.

Nguồn nhân lực quản lý các hợp tác xã có trình độ, năng lực hạn chế nên việc quản lý hồ sơ sổ sách, quản lý tài chính, hạch toán kinh doanh gặp khó khăn. Bên cạnh đó, đầu ra của sản phẩm nông nghiệp bấp bênh, chất lượng các sản phẩm cũng chưa đáp ứng yêu cầu thị trường.

Do đó, huyện Thống Nhất đang tập trung tuyên truyền, vận động, triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh cũng như huyện để người dân thấy rõ được những lợi thế khi tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác và chỉ thành lập các hợp tác xã có thực lực, đủ điều kiện hoạt động, phát triển trên cơ sở tự nguyện của nhân dân.

Hồng Hạnh
Ảnh: Nguyễn Thảo