- Thể hiện tinh thần dân tộc bằng thái độ quá khích, đập phá chỉ làm chính chúng ta suy yếu. Rốt cuộc ai là người hưởng lợi?

Thứ Sáu tuần trước tôi được vài người cho biết, họ nhận được các lời nhắn rủ đi biểu tình chống dự án Luật Đặc khu. Dù đã thấy những lời kêu gọi tương tự xuất hiện rải rác trên mạng xã hội trong tuần, tôi vẫn ngạc nhiên vì từ sáng sớm, lúc 2h44, đã có thông báo chính thức lùi dự án luật này nên hỏi lại: “Lùi thông qua rồi thì biểu tình chống cái gì, chống ai!” Những người đó nói thêm là họ muốn chia sẻ thông tin thôi chứ không tham gia.

Do có việc nên chiều tối Chủ nhật tôi mới vào mạng. Báo chí tường thuật: “Đỉnh điểm vào tối cùng ngày, nhiều người xô cổng, đập bể cửa kính vọng gác bảo vệ và lao vào đốt xe trong trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận. Các đối tượng quá khích liên tục ném đá vào bên trong các phòng ban”... Đó là biểu hiện của hành vi gây rối, phá hoại, bạo loạn rồi chứ không còn là chuyện bày tỏ thái độ ôn hòa. Điều đó không thể chấp nhận được!

Nhiều người hoặc bị dẫn dắt sai bởi thông tin cho thuê đất 99 năm, hoặc cố tình xuyên tạc nó trên vỉa hè, trong quán cà phê, trên mạng. Rất rõ ràng, dự thảo đã quy định chỉ những dự án đặc biệt được Thủ tướng phê duyệt mới được giao đất trong 99 năm. Thủ tướng đã giải thích; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định sẽ “không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm”.

Cá nhân tôi có suy nghĩ, giả sử quy định đó mà có thì chắc sẽ còn được cụ thể hóa bởi những tiêu chí rõ ràng trong nghị định, thông tư hướng dẫn chứ không phải ai cũng được cấp đất như vậy. Quy định như vậy cũng khuyến khích và làm yên lòng các nhà đầu tư bỏ vốn ra xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn như sân bay, cảng biển, các khách sạn 5-6 sao. Tất nhiên, việc bỏ đi quy định này là cần thiết và không còn là chuyện đáng bàn.

Viện dẫn những thông tin bị bóp méo như thế, người ta chửi những người soạn thảo là “phản quốc”, “bán nước”. Đó là những quy kết hết sức nặng nề, không có cơ sở. Không thể nhân danh lòng yêu nước mà suy diễn, quy kết, thậm chí “ngậm máu phun người” như thế được. Tôi không tham dự cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư ở hành lang Quốc hội, nhưng tôi biết thêm một thông tin từ những đồng nghiệp trực tiếp có mặt hôm đó. Họ kể, Bộ trưởng sau buổi trả lời phỏng vấn nán lại nói thêm, ông từng tham gia mặt trận Vị Xuyên, bao nhiêu đồng đôi của ông ở đó đã ngã xuống đến nay chưa tìm thấy hài cốt. Chuyện này vẫn khiến ông đau đáu đến nay. Thế mà có người vội quy cho ông là kẻ bán nước cho Trung Quốc! Lẽ ra, những thông tin như thế này cũng nên được đưa vào các bài phỏng vấn.

Tuần trước, một vị lão thành nói với tôi, trên mạng không ít người chỉ lấy việc bàn về luật này để làm cái cớ để chửi người khác và chửi nhau. Còn bây giờ, thì họ gây loạn chứ không còn chửi bới. Ở góc độ độ nào đó, tâm lý này là rất nguy hại cho quá trình xây dựng luật pháp. Tôi cứ nghĩ mãi, nếu bất kỳ một văn bản nào được ban hành mà cũng bị quy là “vì nhóm lợi ích” hay “bán nước” để kích động, đả phá thay vì những lý lẽ phân tích chuẩn mực, xác đáng, khoa học thì ai còn đủ dũng khí và nhiệt tâm để soạn thảo nữa?

Tháng 5 năm 2014 các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam dẫn đến gây rối, phá, đốt và trộm cắp tài sản xảy ra ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh. Những hệ luy của nó với nền kinh tế và môi trường kinh doanh là rất lớn, tiêu tốn biết bao nhiêu công sức, tiền bạc của Nhà nước của doanh nghiệp. Vụ Bình Thuận hôm qua cũng có biểu hiện gần như sự kiện đó.

Tôi cứ xem mãi tấm ảnh của một đồng nghiệp chụp người dân tỏ thái độ quá khích trước cơ quan bộ đội biên phòng. Vì sao lại có hành vi thế với chính quân đội, những người hơn ai hết đang bảo vệ đất nước này? Vì sao lại đập phá tài sản của chính người dân và doanh nghiệp? Vì sao yêu nước lại làm như thế? Hành động đó vừa tự gây hại, vừa làm khó cho Nhà nước trong việc xử lý các hoạt động đối ngoại.

Ở góc độ khác, thời gian nợ dự án Luật Biểu tình đã quá lâu dù có nhiều ý kiến đồng thuận của các lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ khóa trước. Bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và bản Hiến pháp năm 2013 đều nhắc lại quyền này của người dân. Để người dân thực hiện quyền hiến định vừa đo được sức nóng trong dân vừa giúp xả bớt những năng lượng quá nóng trong xã hội. Trong một nền kinh tế hội nhập hoàn toàn với thế giới, trong thời đại của cách mạng 4.0 đã có nhiều thói quen mới, nhận thức mới được tạo ra, xuất hiện trong từng cá nhân, thậm chí lan tỏa mạnh trong xã hội. Lẽ ra các chính sách và thái độ ứng xử phải kịp thời, có tính giải trình cao, đồng điệu với những thay đổi đó để hướng nó theo hướng tích cực.

Thủ tướng đã khẳng định: “Tinh thần của một dân tộc yêu nước như vậy không lo gì mất nước” sau khi ông thừa nhận có "làn sóng khủng khiếp" phản ứng dự án luật. Dự án luật đã được lùi sang kỳ họp sau của Quốc hội. Đó là động thái rất cầu thị trước những góp ý của nhân sỹ, trí thức và nhân dân. Thể hiện tinh thần dân tộc bằng thái độ quá khích, đập phá chỉ làm chính chúng ta suy yếu. Rốt cuộc ai là người hưởng lợi?

Tư Giang

Tỉnh táo nhận diện những ý kiến “mập mờ đánh lận con đen”

Tỉnh táo nhận diện những ý kiến “mập mờ đánh lận con đen”

Tôn trọng những góp ý tâm huyết vì quốc kế dân sinh, vì quốc gia đại sự, nhưng cũng phải tỉnh táo nhận diện những ý kiến “mập mờ đánh lận con đen”, bóc mẽ những chân tướng đội lốt “yêu nước”.

Người dân hãy thể hiện tình yêu nước một cách sáng suốt

Người dân hãy thể hiện tình yêu nước một cách sáng suốt

Trong nhiều ngày qua, dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc không chỉ được thảo luận kỹ lưỡng tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, mà còn là tâm điểm trên các kênh truyền thông.