Số liệu từ Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2021, hơn 90.000 doanh nghiệp (DN) phải ngừng hoạt động hoặc giải thể, trong đó phần lớn là DN nhỏ và vừa. 

Khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện giữa tháng 8/2021 với sự tham gia của 21.517 DN, hộ kinh doanh, cho thấy, có 69% đã phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh do dịch Covid-19. Hầu hết trong số này là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Trong đó, hơn 40% DN chỉ đủ tiền duy trì hoạt động dưới 1 tháng và 46% đủ tiền để duy trì từ 1-3 tháng. Điều này cho thấy, nếu không có hỗ trợ thì khả năng giải thể là rất cao.

Trong khi đó, theo số liệu từ Cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh Quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT), số DN thành lập mới trong 9 tháng 2021 là 85,5 nghìn DN, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là số DN gia nhập thị trường thấp nhất trong giai đoạn 9 tháng kể từ năm 2017.

Cùng với xu hướng đó, số vốn đăng ký thành lập trong 9 tháng 2021 chỉ đạt trên 1.195,8 nghìn tỷ đồng, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2021 là 648,8 nghìn lao động, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

{keywords}
Doanh nghiệp cần được bơm vốn để phục hồi sản xuất 

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, gần 2 năm đối mặt với đại dịch Covid-19, "sức khỏe" của DN rất yếu.

Để cứu DN, đặc biệt DN đang trong tâm dịch phía Nam, bà Hương cho rằng, giải pháp cấp bách cần làm là ưu tiên phòng chống dịch hiệu quả, dập dịch sớm nhất có thể. Trong đó, cần quan tâm phòng chống dịch hiệu quả cho DN trong các khu, cụm công nghiệp để sớm khôi phục lại sản xuất kinh doanh, thu hút lao động, hỗ trợ tối đa cho DN nhanh chóng nối lại chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục duy trì các gói hỗ trợ cho DN như hỗ trợ giãn, hoãn, miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, chi phí cho người lao động phải nghỉ việc, thất nghiệp... Điều hành lãi suất linh hoạt, hạ lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí. Linh hoạt thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng tại các ngân hàng thương mại, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng.

Có giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận kênh thông tin về xuất nhập khẩu. Điều này sẽ giúp DN tìm kiếm thị trường mới để nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Cùng với đó mở ra được thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thông qua Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa, cần tạo điều kiện cho DN tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất. Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý 3, quý 4/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế, bà Hương nhấn mạnh.

Trước đó, tại dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, thay cho Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Bộ KH&ĐT đề xuất thêm những chính sách cho DN bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19.

Cụ thể, Bộ KH&ĐT đề xuất nghiên cứu có chính sách hỗ trợ lãi suất cho DN trong một số ngành bị tác động nặng nề bởi Covid-19 và DN có trụ sở chính, hoặc cơ sở sản xuất tại các địa bàn áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên 1 tháng với mức lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất của thị trường khoảng 3-4%/năm trong thời hạn 1 năm.

Theo đó, ước tính với khoản ngân sách hỗ trợ lãi suất khoảng 3.000 tỷ đồng, các DN có thể tiếp cận được gói tín dụng khoảng 100 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 3-4%/năm (lãi suất hiện tại khoảng 7-8%/năm).

Đối với các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng lại tác động lớn đến các ngành khác như hàng không, du lịch, giáo dục, Bộ KH&ĐT cho rằng, cần phải có các gói cứu trợ tương xứng (đây cũng là thông lệ mà nhiều quốc gia đã thực hiện). Do đó, Chính phủ cần có gói tín dụng cho vay ưu đãi với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% cho DN các ngành du lịch, hàng không, giáo dục trong thời hạn 6 tháng đến 1 năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, cần khẩn trương có một khoản tái cấp vốn để cho vay mới. Cần hình thành ngay một quỹ bảo lãnh hoạt động theo cơ chế mới, chứ không phải Quỹ Bảo lãnh DN hiện có. Nếu cho vay mà vẫn đòi tài sản đảm bảo, sẽ không có DN nào tiếp cận được. Vì vậy, gói tái cấp vốn này sẽ dành một khoản tiền từ ngân sách, để Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các DN vay.

Một trong những điều kiện quan trọng nhất để đảm bảo DN tiếp cận được vốn mới là bảo lãnh 100% cho vay tín chấp. Đồng thời, phải có điều kiện hết sức mở, làm theo thủ tục rút gọn nhanh nhất có thể. Nếu theo trình tự quy định pháp luật sẽ rất lâu mới ra được quỹ, DN khó khôi phục sản xuất.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".

Hà Giang