Covid-19 được đánh giá là đại dịch lớn nhất với nhân loại. Chỉ trong vòng nửa năm, đại dịch đã lan ra toàn cầu với trên 15 triệu ca mắc, hơn 600.000 người tử vong.

Tại Việt Nam, chúng ta ghi nhận những ca Covid-19 đầu tiên vào cuối tháng 1/2020. Tính đến nay Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh không lây lan nhanh trong cộng đồng tốt nhất.

{keywords}
Áp dụng chiến lược khoanh vùng triệt để và dập dịch quyết liệt

Để làm được điều đó, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng, Bộ Y tế, vị chuyên gia đã cùng đồng hành với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 suốt nhiều tháng qua cho rằng vì nước ta đã có dự báo được sớm tình hình nguy hiểm của dịch và áp dụng chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng một cách triệt để và dập dịch một cách quyết liệt. Song song đó là điều trị tích cực và hiệu quả.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nước ta đã áp dụng bằng kinh nghiệm, kỹ thuật, phương pháp cổ điển, ví dụ bệnh hô hấp thì cứ đeo khẩu trang, rồi khử khuẩn, áp dụng biện pháp cách ly, v.v… Tất nhiên còn nhiều giải pháp về xã hội nữa nhưng giải pháp về y tế, kỹ thuật đó Việt Nam đã thực hiện rất sớm và nó ổn định, chứ các nước cũng còn tranh cãi nhau nhiều.

Kể cả khuyến cáo của WHO lúc đầu cũng không giống Việt Nam về vấn đề đeo khẩu trang hay sự lây nhiễm trong cộng đồng. Con virus này thực sự là mới, và thông tin cũng chưa đầy đủ. Cũng phải nói rằng WHO đã phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh.

Nói về nguyên nhân đem lại thành công trong chống dịch của Việt Nam giai đoạn vừa qua, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, tuy chưa có một tổng kết chính thức nào nhưng theo ông có một số giải pháp chính:

Thứ nhất, chúng ta có dự báo đúng, dự báo tốt về mức độ nguy hiểm. Ngay từ đầu trong lúc thông tin quốc tế còn khó khăn như vậy nhưng chúng ta đã cảnh giác.

Thứ 2, chúng ta đã áp dụng một chiến lược là ngăn chặn, phát hiện và cách ly, khoanh vùng triệt để và dập dịch quyết liệt, điều trị hiệu quả.

Thứ 3 điều chúng ta làm tốt được quốc tế đánh giá cao là huy động được tổng thể sức mạnh xã hội từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ngành, các cấp cho đến người dân tham gia vào. Như Thủ tướng có nói “chống dịch như chống giặc”, chính câu nói đó khích lệ toàn thể tham gia vào với trách nhiệm, tinh thần cao nhất.

Chúng ta cũng phải kể đến những kinh nghiệm, hướng dẫn, dịch mới xảy ra nhưng sau thời gian rất ngắn ngành Y tế cũng như tất cả các ngành phải có những hướng dẫn để thực hiện, và được ban hành rất đúng lúc. Ví dụ đeo khẩu trang, khử khuẩn đều có hướng dẫn, rồi cách ly cũng có hướng dẫn, vì cách ly đông, nhiều như thế thì phải có hướng dẫn để làm sao đảm bảo kỹ thuật và điều đó trước chưa có.

Rồi chúng ta có nhiều giải pháp về công nghệ như phát hiện, truy tìm dấu vết; sản xuất test kit; phân lập vi khuẩn và các ứng dụng trong điều trị.

Cùng với đó công tác truyền thông cũng là một trong những yếu tố cốt lõi đáng được nhắc đến. Truyền thông của Việt Nam làm rất tốt để người dân tin tưởng, tham gia.

Từng phát biểu trong cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch với lãnh đạo các bệnh viện Trung ương, Sở Y tế các địa phương trong cả nước, GS.TS Nguyễn Thanh Long  cũng cho biết, trong thời gian qua chúng ta đã chủ động, tích cực, các biện pháp phòng chống dịch, đến nay cơ bản đã đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Ông Long nhấn mạnh, hiện nay mầm bệnh đã ở trong cộng đồng nên sẽ tiếp tục có ca bệnh trong cộng đồng. Sẽ có những đợt dịch mới nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác. Phải luôn ghi nhớ dịch bệnh sẽ tồn tại cùng chúng ta trong thời gian dài nữa. Công tác phòng chống dịch cũng sẽ khó khăn hơn nhiều so với thời gian trước. Lực lượng y tế phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba so với những gì chúng ta đã làm trước đây.

"Nếu không thần tốc, quyết liệt thì dịch sẽ lây lan nhanh hơn sự ứng phó của chúng ta. Phải khoanh vùng thật gọn, dập dịch thật nhanh, truy vết kịp thời và cách ly thật triệt để mới chặn được mầm bệnh trong cộng đồng", TS. Nguyễn Thanh Long cảnh báo.

Đây là bài học hết sức thiết thực để dưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, các địa phương phải luôn chuẩn bị cho kịch bản xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, xảy ra dịch tại các địa điểm nguy cơ cao (cơ sở y tế, khu công nghiệp, nơi tập trung đông người…).

Khánh Vy