Bước chuyển mình mạnh mẽ

Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có 4/8 huyện, thành phố là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; 696 thôn bản đặc biệt khó khăn, 23 xã biên giới thuộc các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn.

Dân số toàn tỉnh có 96.851 hộ dân với khoảng 456.000 người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 85%, gồm 20 dân tộc.

{keywords}
Bà con dân tộc thiểu số ở bản Sin Suối Hồ.

Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã mang lại cho Lai Châu diện mạo nông thôn miền núi với nhiều mảng sáng. Đời sống của nhân dân, nhất là ở các xã nghèo từng bước được nâng lên.

Nhiều hộ thoát nghèo được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản, được phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập…

Để đạt được những kết quả đó, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện công tác giảm nghèo, nhất là việc lồng ghép các nguồn vốn tập trung cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập để người nghèo thoát nghèo bền vững…

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức đoàn thể huy động mọi nguồn lực hỗ trợ cho công tác giảm nghèo, đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo để tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân.

Hàng năm, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phát động các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” để thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo.

Thông qua các chính sách như hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực dân tộc thiểu số, miền núi; hỗ trợ sản xuất, giáo dục đào tạo và dạy nghề, nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài... đã từng bước giải quyết nhu cầu của người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đầu tư mới thêm 62 công trình, duy tu bảo dưỡng 56 công trình (đường giao thông nông thôn, thủy lợi, trường lớp học thuộc các huyện nghèo); hỗ trợ khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng cho gần 118.600 hộ; hỗ trợ khai hoang tạo nương rẫy cố định cho 170 hộ; hỗ trợ 167 dự án phát triển sản xuất; nhân rộng 22 mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện, thành phố... Toàn tỉnh có 36 nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách khác được vay vốn phát triển sản xuất...

Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm , 90% số thôn, bản có đường giao thông nông thôn; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm, 93% số hộ ở nông thôn được sử dụng điện lưới; tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 84%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 99,9%; toàn tỉnh có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 13,67 tiêu chí/xã, tăng 0,89 tiêu chí/xã so với cuối năm 2018; có hai huyện Tân Uyên và Than Uyên được công nhận ra khỏi huyện nghèo, 13 xã ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Tỉnh đã hỗ trợ, làm mới và sửa chữa trên 1.000 căn nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo; giải quyết công ăn việc làm mới cho 4.132 lao động; tổ chức đào tạo nghề cho 2.800 lao động; hỗ trợ 72.993 suất quà, phân bổ 674.595 tấn gạo cứu đói giáp hạt năm 2019 cho các huyện.

Với các giải pháp quyết liệt được triển khai, tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4,86% (riêng các huyện nghèo giảm 5,30%), đạt 143,7 % kế hoạch, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 24,98% đầu năm 2019 xuống còn 20,12%.

Thoát nghèo nhờ ‘vàng’ xanh

Cuộc cách mạng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây ngô, lúa sang trồng chè tại huyện Tam Đường 10 năm trước đã thu được những thành tựu lớn.

Khi đó, người dân chủ yếu bám vào những thuở ruộng, nương ngô để mưu sinh qua ngày. Tỉnh Lai Châu đã thực hiện đề án thí điểm trồng chè tại huyện Tam Đường.

{keywords}
Đồi chè tại huyện Tam Đường.

Năm 2009, nương ngô rộng cả hecta của gia đình anh Lò Văn Vạn (SN 1980, bản Hợp Nhất, xã Bản Bo) người dân tộc Thái đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch bất ngờ được chặt hạ đồng loạt.

Sau hai năm phá ngô trồng chè, anh Vạn bắt đầu thu hoạch vụ đầu tiên. Gia đình anh bỏ túi khoảng 60 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với việc trồng lúa, ngô.

“Tôi tính toán với hai nghìn mét vuông trồng lúa, mỗi năm tôi thu về khoảng một tấn cho thu nhập gần 16 triệu đồng. Lấy số diện tích này để trồng chè với sản lượng tương đương, gia đình tôi thu về hơn 60 triệu đồng”, anh nói.

Nhờ đồi chè bạt ngàn, gia đình anh từng bước thoát nghèo, lo được cho con gái học đại học và xây lại căn nhà khang trang.

Từ thành công của anh Vạn, anh Páo, rất nhiều dân bản ở xã Bản Bo bảo nhau chuyển đổi sang trồng chè để xóa nghèo. Đến nay cả xã đã phát triển gần một nghìn hecta đất trồng chè, cây chè trở thành cây chủ lực, cây xóa nghèo của địa phương. 

Bí thư xã Bản Bo Nguyễn Xuân Hoàn chia sẻ, khi người ta thấy anh Vạn làm và thành công, ai nấy đều hăng say và làm việc với niềm tin không chỉ xóa được nghèo mà còn vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Trước năm 2010, đời sống người dân rất khó khăn, cơm còn chưa đủ ăn chứ chưa nói đến chuyện xóa nghèo. Nguyên nhân chính là do nhận thức của bà con còn hạn chế. Vì cái nghèo nên các tệ nạn xã hội xuất hiện khiến tình hình địa phương càng thêm phức tạp.

“Cuộc cách mạng” chuyển đổi cây trồng bắt đầu từ năm 2008, Viện cây trồng Ôn đới phía Bắc lên làm việc với tỉnh Lai Châu, đặt vấn đề cấp cho huyện Tam Đường dự án trồng thử nghiệm giống chè.

Huyện Tam Đường quyết định bắt tay thí điểm ba giống chè gồm Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên trên diện tích 15 hecta, thời gian hoàn thành chưa đến 20 ngày.

Sau một năm, kết quả thí điểm cho thấy giống chè Kim Tuyên phù hợp với thổ nhưỡng và cho năng suất, chất lượng đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Một trong những khó khăn nhất khi thực hiện đề án trồng chè là thuyết phục người dân thay đổi tập quán canh tác, cho họ thấy được giá trị kinh tế từ cây chè. 

Người dân đa phần đều hoài nghi và không hợp tác khi cán bộ xuống vận động. Vì đầu những năm 2000, cây chè đã được một vài hộ dân trồng tại đây nhưng không có đầu ra, bị thương lái ép giá… nên từ đó nhắc đến chè không ai tin là sẽ có giá trị kinh tế.

Xã Bản Bo đã chọn ra một số bản để thực hiện đề án, nếu thành công ở các bản này, tự khắc người dân các bản còn lại sẽ hưởng ứng và chung tay thực hiện. Đề án ban đầu triển khai với 28 hộ.

Trong ba năm đầu tiên thực hiện đề án, xã đã trồng giống chè Kim Tuyên với diện tích hơn 60 hecta. Năm 2019, xã Bản Bo đã đạt diện tích gần 800 hecta, từ số diện tích trồng chè trên, các hộ trồng chè của xã chia nhau số tiền hơn 40 tỷ đồng. 

Bên cạnh thuyết phục người dân thay đổi tư duy trồng trọt, ông Hoàn cũng tiên phong mua đất, trồng chè, chứng minh hiệu quả cho bà con. Giai đoạn năm 2013-2014 là thời điểm đồi chè của ông bắt đầu cho thu hoạch, thu nhập gần trăm triệu đồng.

Ông Hoàn không phải là trường hợp duy nhất khi đảng viên xắn tay làm cùng bà con mà toàn bộ cán bộ xã, ai nấy đều có ít nhất một đồi chè của riêng mình. 

Bí thư huyện ủy Tam Đường Hoàng Quốc Khánh cho biết, sau nhiều năm thực hiện đề án, trên toàn huyện Tam Đường đã trồng được hơn một nghìn hecta cây chè, cho thu nhập gần 100 triệu trên mỗi hecta (sản xuất theo quy trình RA). 

Theo ông Khánh, việc nhân rộng thành công trồng chè tại Bản Bo là yếu tố khích lệ, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

Quang Sơn