Cỏ ngọt đang trở thành cây trồng mới mở hướng làm giàu cho người dân thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Những cánh đồng thuộc tổ dân phố Đông Côi Sơn, xen lẫn những mảnh trồng rau màu đủ loại là những ruộng trồng cỏ ngọt.

{keywords}
Làm giàu từ cây cỏ ngọt Stevia.

Mấy năm trước, anh Trịnh Văn Đạo đem cây cỏ ngọt về trồng và thuê người dân địa phương quản lý, chăm sóc. Anh Đạo cho biết: “Cỏ ngọt Stevia có tên khoa học là Stevia Rebaudina, thường được sử dụng trong thực phẩm và dược phẩm mà người bị bệnh tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp dùng rất tốt. Từ lâu trong y học cổ truyền, cây cỏ ngọt được sử dụng làm trà thảo dược. Vì thế, tôi đã quyết định đầu tư xây dựng mô hình trồng cỏ ngọt”.

Anh Đạo cho biết, cây cỏ ngọt thích hợp với chân ruộng cao, đất cát pha, dễ trồng, ít sâu bệnh, tốn ít công chăm sóc, vốn đầu tư thấp lại có thể thu hoạch quanh năm, nên có thể nói trồng cây cỏ ngọt thu “1 vốn 4 lời”. Cây cỏ ngọt được lên luống trồng như các loại rau màu khác, mỗi sào chia 6 luống, mỗi luống từ 800-1.000 gốc. Trước khi trồng chú ý làm đất sạch cỏ, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật diệt trừ các loại mối mọt, sâu bệnh trong đất. Tuỳ điều kiện thời tiết, cây cỏ ngọt sau khi trồng từ 45-60 ngày, cây cao từ 8-10cm có thể cắt thu hoạch lứa đầu tiên và tiếp tục chăm sóc, mỗi năm thu hoạch được 6 lứa cỏ ngọt. Cây cỏ ngọt này cho thu hoạch được từ 2-3 năm, nhưng để có năng suất tốt nhất thì sau một năm khai thác nên trồng mới để đảm bảo cây phát triển mạnh, chất lượng vị ngọt cao.

Để tiết kiệm chi phí nhân công, sau khi xử lý đất, anh Đạo áp dụng phương pháp trồng che phủ nilon mặt luống. Cách làm này vừa tiết kiệm tương đối tiền thuê nhân công làm cỏ, vừa giữ được độ ẩm phù hợp cho cây cỏ ngọt phát triển. Cây cỏ ngọt ưa nắng, sợ úng nên để trồng cây cỏ ngọt phải đảm bảo hệ thống chân ruộng cao, thoát nước tốt. Bên cạnh đó, để đảm bảo độ ẩm cho cây sinh trưởng, anh đã đầu tư thêm hệ thống tưới nước tự động và hệ thống nhà kính, kho sấy giúp sản lượng cây cỏ ngọt không bị thất thoát do hỏng, héo hay nấm lá.

Bình quân mỗi sào thu hoạch được 50-70kg cỏ ngọt khô. Giá hiện tại trên thị trường mỗi kg cỏ ngọt là 80-110 nghìn đồng. Nhờ trồng cỏ ngọt, mỗi năm anh Đạo thu về hơn 400 triệu đồng, cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa truyền thống, tạo việc làm cho 15 công nhân với thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện tại, nhu cầu về cỏ ngọt của thị trường vô cùng lớn. Toàn bộ số lượng cỏ ngọt khô của anh Đạo sản xuất đến đâu đều được tiêu thụ đến đó.

Vì thế, để đảm bảo cung ứng tốt cho thị trường, thời gian tới, anh Đạo sẽ đầu tư thêm 1ha trồng cây cỏ ngọt; đồng thời, xây dựng thêm 200m2 nhà kính để nâng công suất sấy cỏ. Bên cạnh đó, anh cung cấp bán giống cho người dân xung quanh trồng thử nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng để nhân rộng mô hình trồng cỏ ngọt.

Lê Na
Ảnh: Văn Điệp