Chăn nuôi gia súc theo hình thức thả rông, để gia súc tự kiếm thức ăn là tập quán lâu đời của bà con nông dân ở Lào Cai.

Toàn tỉnh hiện có hơn 142 nghìn con gia súc, trong đó có hơn 117 nghìn con trâu, hơn 24 nghìn con bò.Trong điều kiện khu vực chăn thả ngày càng thu hẹp, việc nuôi lợn, gia cầm gặp khó khăn do giá cả bấp  bênh thì nuôi nhốt và nuôi vỗ béo đại gia súc thu hút nhiều hộ chăn nuôi thực hiện.

{keywords}
Nuôi nhốt gia súc theo hướng an toàn sinh học đang là biện pháp hữu hiệu để phát triển nghề chăn nuôi gia súc bền vững ở Lào Cai.

Với mục tiêu nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương tuyên truyền, khuyến khích người dân tận dụng tiềm năng đất đai, nhất là diện tích đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ để chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng và vỗ béo gia súc, đồng thời hỗ trợ nguồn tín dụng ưu đãi để người chăn nuôi nhân rộng mô hình.

Hình thức này mang lại hiệu quả kinh tế chưa cao, nhiều rủi ro. Vài năm nay, được sự tư vấn, hướng dẫn của ngành chuyên môn, bà con đang dần chuyển sang mô hình nuôi nhốt gia súc an toàn sinh học.

Để có đủ nguồn thức ăn cho gia súc, nhất là vào mùa đông, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt phòng, chống rét cho vật nuôi, trong đó chú trọng khâu đảm bảo thức ăn cho gia súc. Từ năm 2018, toàn tỉnh đã quy hoạch được hơn 10 nghìn ha đất trồng cỏ, đáp ứng nhu cầu thức ăn quanh năm cho vật nuôi.

Bà Phạm Thị Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Thời gian tới, ngành sẽ tăng cường vận động người dân đổi mới phương thức chăn nuôi và xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa; xây dựng và quy hoạch vùng chăn nuôi đại gia súc tập trung, phù hợp với từng địa phương.

Chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả, tận dụng diện tích đất manh mún, đất còn bỏ hoang sang trồng cỏ phục vụ nuôi gia súc; hướng dẫn người dân tận dụng sản phẩm phụ từ nông nghiệp để chế biến làm thức ăn dự trữ cho gia súc trong mùa mưa rét…

Cùng với đó, tăng cường phòng, chống dịch bệnh và tiêm phòng bắt buộc các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm, long móng, tụ huyết trùng…

Tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ cán bộ thú y, khuyến nông viên cơ sở để làm tốt việc tiêm phòng, thiến, hoạn, thụ tinh nhân tạo… tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi có chuồng trại.

Việc phát triển chăn nuôi đại gia súc theo phương thức nuôi nhốt và chăn dắt đã mang lại lợi ích kép, vừa đảm bảo thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhằm khuyến khích người dân phát triển nuôi nhốt gia súc, UBND xã Liên Minh (TX Sa Pa) đã cử cán bộ nông nghiệp thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tư duy trong chăn nuôi gia súc, bước đầu hình thành trang trại chăn nuôi gia súc.

Xã đã tổ chức cho người dân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi nhốt bò tập trung tại huyện Ba Vì (Hà Nội). Bên cạnh đó, công tác kiểm soát dịch bệnh cũng được thường xuyên triển khai, giúp đàn gia súc được bảo vệ, phát triển tốt.

Ông Phàn Phủ Seng, Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết: Xã hiện có hơn 1.300 con gia súc, tăng gần gấp đôi so với năm 2016, đó là nhờ mô hình nuôi nhốt gia súc phát huy hiệu quả. Việc nuôi nhốt gia súc không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, mà còn giúp địa phương thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Gia đình anh Lù A Định, thôn Nậm Than, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa là mô hình kiểu mẫu trong nuôi nhốt gia súc.

Năm 2019, gia đình đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng chuồng nuôi kiên cố, trồng 2 ha cỏ, trang bị máy cắt, thái cỏ để phục vụ việc nuôi nhốt 6 con bò lai.

Đến nay, đàn bò đã tăng thêm 3 con. Anh Định khẳng định, việc nuôi bò nhốt chuồng không tốn nhiều công chăm sóc, tranh thủ được thời gian để làm công việc khác, tích trữ được nguồn phân phục vụ sản xuất, góp phần bảo vệ được môi trường. Đàn bò lớn nhanh hơn, hạn chế được nhiều bệnh và rút ngắn thời gian sinh sản.

Trước đây, nhiều hộ trên địa bàn xã Liên Minh nuôi gia súc theo phương thức thả rông, để gia súc tự kiếm thức ăn. Tập quán nuôi này khiến nhiều hộ chăn nuôi phải chịu hệ lụy như đền bù cho diện tích hoa màu bị gia súc phá hoại, gia súc bị chết do dịch bệnh…

Những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã dần chuyển sang trồng cỏ để nuôi nhốt gia súc. Cũng nhờ nuôi nhốt gia súc, hộ nuôi có thể chủ động trong việc tiêm phòng, hạn chế đến mức thấp nhất vật nuôi chết do dịch bệnh.

Tại xã huyện Bảo Thắng, anh Đoàn Văn Thiện, xã Xuân Giao cho biết: Trước đây gia đình nuôi bò theo hình thức thả rông, thời gian nuôi kéo dài mà hiệu quả kinh tế không cao.

Từ khi chuyển sang nuôi bò nhốt vỗ béo, thu nhập cao hơn nhiều. Mỗi lứa, gia đình anh nuôi vỗ béo từ 25 đến 30 con bò, sau 3 đến 4 tháng có thể xuất chuồng. Năm 2020, gia đình anh xuất bán được 3 đợt, thu về hơn 300 triệu đồng.

Kiên Trung