Báo cáo về tình hình sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở khu vực phía Nam, Tổ Công tác 970 (Bộ NN-PTNT) cho biết, sau một thời gian ách tắc vì dịch Covid-19 khiến giá các mặt hàng nông thuỷ sản giảm mạnh, thì những ngày này hoạt động sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản dần đi vào ổn định. Giá một số mặt hàng thuỷ sản, giá gia cầm, thịt lợn bắt đầu tăng trở lại.

Tính đến ngày 16/8, có gần 1.200 đầu mối cung ứng nông sản, thực phẩm đăng ký tiêu thụ qua Tổ Công tác. Trang web kết nối cung cầu sản phẩm của đơn vị này có 1.009 đơn vị đăng ký bán, 206 đơn vị đăng ký mua, 47 cơ quan hỗ trợ của nhà nước và 39 tổ chức hỗ trợ mua bán cho nông dân.

Hầu như nông sản có chứng nhận VietGAP, hay cao hơn khi đăng ký đầu mối qua Tổ Công tác, đều được kết nối tiêu thụ thành công 100% và gần như không đủ hàng có chất lượng VietGAP để bán.

Trong quá trình hoạt động, đơn vị này cũng đã kết nối thành công được những đơn hàng thuỷ sản với khối lượng 1.000-2.000 tấn cho các đối tác doanh nghiệp nước ngoài. Sau đó hướng dẫn các HTX, doanh nghiệp cung ứng về việc sơ chế, đóng gói để đảm bảo yêu cầu từ phía khách hàng.

{keywords}
Bộ NN-PTNT xây dựng sàn giao dịch nông sản tại khu vực phía Nam 

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thành viên của Tổ Công tác 970 cho biết, do yêu cầu phòng chống dịch bệnh phải được ưu tiên hàng đầu nên một số lĩnh vực có gặp những khó khăn nhất định nhưng nhờ sự phối hợp kịp thời giữa các tổ công tác đặc biệt của các bộ, ngành, trong đó có Tổ công tác 970, những khó khăn trong lưu thông dần được tháo gỡ. 

Cũng theo ông Tùng, từ các đầu mối đăng mua bán nông sản, Tổ công tác 970 đang xây dựng một trung tâm kết nối tiêu thụ nông sản trực tuyến của Bộ NN-PTNT ở phía Nam với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ. Hiện đang hoàn thiện đề án với mục tiêu duy trì và nâng cấp trung tâm lên cấp vùng.

“Chúng tôi cũng gợi ý các địa phương thành lập các tổ công tác, không chỉ ứng phó trong mùa dịch mà có thể ứng phó với những biến động thị trường, thiên tai, dịch bệnh khác cũng có thể kết nối, tiêu thụ nông sản”, ông Tùng cho hay.

Theo đó, khi Tổ Công tác kết thúc nhiệm vụ lần này, trung tâm sẽ đi vào hoạt động. Các đơn vị là HTX, Tổ hợp tác, doanh nghiệp... có thể đăng ký thông tin vùng sản xuất, sản lượng, thông tin mua bán lên website. Từ đó hình thành cơ sở dữ liệu lâu dài về vấn đề này.

“Chúng tôi kỳ vọng đó sẽ là trung tâm bán hàng của tương lai, có nghĩa mọi người có thể đặt hàng từ khi xuống giống. Đây sẽ là một hình thức mới, đóng góp vào các hình thức kết nối, cung ứng nông sản trước đây nhưng chủ yếu là tự phát. Với trung tâm này sẽ định hình cung cầu nông sản rõ hơn, và mọi tổ chức, cá nhân có thể tham gia”, ông Tùng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp mới đây với lãnh đạo Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL về tình hình tiêu thụ nông sản khi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, ngành nông nghiệp chưa từng trải qua giai đoạn khó khăn như hiện nay. Chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản bị đứt gãy một cách nghiêm trọng. Song, đây là dịp để cúng ta nhìn lại câu chuyện kết nối cung cầu. Không chỉ chú trọng vào sản xuất, làm ra sản lượng lớn mà còn phải tăng tính kết nối. Ngoài xử lý tình huống hiện tại, chúng ta phải thay đổi trong tư duy kết nối cung cầu.

Đánh giá cao sáng kiến của Tổ Công tác 970 về việc thí điểm mô hình sàn giao dịch nông sản vừa sản xuất, vừa tiêu thụ, Bộ trưởng yêu cầu triển khai nhanh mô hình này để các tỉnh cập nhật thông tin, biết trong khâu cung ứng tắc ở chỗ nào.

Thông qua sàn kết nối trực tuyến, doanh nghiệp cũng không cần tới trực tiếp vùng nguyên liệu mà vẫn nắm bắt được tình hình sản xuất, mua bán nông sản. Trên sàn nông sản trực tuyến này sẽ để doanh nghiệp, HTX cùng tham gia, cùng cho ý kiến về hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhắc lại câu chuyện nền nông nghiệp mù mờ, mù mờ về thông tin, mù mờ về dữ liệu. Song, nếu chúng ta làm được sàn kết nối tiêu thụ nông sản thì sẽ minh bạch được mọi thông tin từ sản xuất tới thị trường. Từ đó, dự báo trước được các tình huống có thể xảy ra. Đặc biệt, sẽ giải quyết được một phần bài toán ùn tắc, nơi thừa bán giá thấp, chỗ thiếu bán giá cao.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".

Hà Giang