Theo các chuyên gia kinh tế, việc các doanh nghiệp vừa được Chính phủ tiếp tục cho gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), tiền thuê đất năm 2021 sẽ giúp nhiều đối tượng bị ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 có nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh.

Việc hoãn, giãn thuế là cấp bách cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đang phải thực hiện mục tiêu kép, vừa sản xuất, vừa chống dịch.

{keywords}
Tiếp tục cho gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), tiền thuê đất năm 2021 sẽ giúp nhiều đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Để triển khai Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất năm 2021 có hiệu lực từ ngày 20/4, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế tuyên truyền, phổ biến cho người nộp thuế trên địa bàn để kịp thời thực hiện Nghị định số 52.

Theo Tổng cục Thuế, tại Nghị định 52 quy định thời gian gia hạn cụ thể như sau: Gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 3 đến tháng 6/2021 và quý 1, quý 2/2021; gia hạn 4 tháng đối với số thuế GTGT tháng 7/2021, gia hạn 3 tháng đối với số thuế GTGT tháng 8/2021; gia hạn 3 tháng đối với số thuế TNDN tạm nộp quý 1, quý 2 của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế GTG, thuế TNCN năm 2021 chậm nhất là ngày 31/12; gia hạn 6 tháng tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021.

Người nộp thuế thuộc đối tượng gia hạn gửi giấy đề nghị gia hạn một lần cho toàn bộ các kỳ của các sắc thuế được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế. Thời hạn nộp giấy đề nghị gia hạn chậm nhất là ngày 30/7. Dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế trong các tháng của năm 2021 tại dự thảo nghị định là 115.000 tỷ đồng.

“Chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2021 có tác động kép tới doanh nghiệp và nền kinh tế. Với việc mở rộng đối tượng được hỗ trợ, chính sách như ‘liều thuốc trợ lực” giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Bởi mặc dù Việt Nam đã chủ động kiểm soát được sự lây lan nhưng tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, theo đó cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là khối doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn gặp khó khăn, bởi chuỗi cung ứng hàng hóa vẫn đang bị đứt gãy. Vì vậy, Nghị định gia hạn nộp thuế được xem là giải pháp có tính khả thi cao.

Theo Tổng cục Thuế, điểm mới của Nghị định 52 lần này là bổ sung tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: Hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính.

Lê Na