Thành tựu của công cuộc đổi mới đã ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ đời sống kinh tế – xã hội Việt Nam. Hàng loạt vấn đề mới xuất hiện, hàng loạt vấn đề của cơ chế cũ đang được xem xét, nhìn nhận lại trong điều kiện mới với sự hội nhập quốc tế và khu vực. Bằng sự đánh giá khách quan, khoa học ở Việt Nam và trên thế giới chúng ta càng nhận thức rõ hơn về những quyền con người. 

{keywords}
Thành tựu của công cuộc đổi mới đã ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ đời sống kinh tế – xã hội Việt Nam.

Pháp luật là phương tiện chính thức hóa các giá trị xã hội của quyền con người

Trong một bài viết công phu, ông Nguyễn Quang Hiền, trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh góp bàn, bảo vệ quyền con người là một quá trình. Nó phụ thuộc vào tổng thể nhiều điều kiện khác nhau (kinh tế, chính trị, pháp luật, văn hóa…) trong đó pháp luật có vị trí, vai trò và tầm quan trọng hàng đầu. Bởi:  

Pháp luật là phương tiện chính thức hóa các giá trị xã hội của quyền con người; các quyền đó được pháp luật hóa và mang tính bắt buộc, được xã hội thừa nhận, bảo vệ. Nếu không có sự thừa nhận của xã hội thông qua pháp luật thì quyền tự nhiên vốn có của con người chưa trở thành quyền thực sự.

Ngược lại, quyền con khi đã được quy định trong pháp luật thì nó sẽ trở thành quyền pháp định, là ý chí chung của toàn xã hội, được xã hội thừa nhận phục tùng, được quyền lực Nhà nước tôn trọng bảo vệ. Khi quyền con người được quy định trong Hiến pháp và pháp luật thì nó sẽ trở thành “tối thượng” có giá trị bắt buộc đối với toàn xã hội, ngay cả với cơ quan cao nhất của Nhà nước.

Pháp luật là công cụ sắc bén của Nhà nước trong việc thực hiện bảo vệ quyền con người. Tính sắc bén của pháp luật trong việc thực hiện bảo vệ quyền con người được thể hiện ở các quy định về quyền con người trong pháp luật được đảm bảo bằng bộ máy, cách thức tác động quyền lực của Nhà nước, khi cần thiết thì Nhà nước sử dụng các biện pháp cưỡng chế trên cơ sở tiến hành các biện pháp giáo dục, thuyết phục bảo đảm cho nội dung quyền con người, quyền công dân được thực hiện và bảo vệ. Bên cạnh đó, nhờ hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật mà mọi hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân đều có khả năng bị phát hiện nhanh chóng và xử lý kịp thời.

Pháp luật là tiền đề, nền tảng tạo cơ sở pháp lý để công dân đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Ở đây pháp luật được xem xét không chỉ với tư cách là công cụ, phương tiện của Nhà nước mà còn là công cụ, vũ khí của mọi người trong xã hội để thực hiện, bảo vệ quyền con người.

Bởi vì pháp luật là đại lượng mang giá trị phổ biến, là chuẩn mực của sự công bằng, do đó có thể đo được hành vi của mọi người, kể cả các cơ quan tổ chức, công chức Nhà nước. Luật còn là cơ sở, là căn cứ để công dân đánh giá, kiểm tra, đối chiếu các hành vi từ phía Nhà nước và các thành viên trong xã hội, đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đảm bảo pháp lý bảo vệ QCN là đảm bảo thực hiện QCN bằng pháp luật

Để phát huy đầy đủ vai trò quan trọng của pháp luật trong việc bảo vệ quyền con người thì phải thể chế hóa quyền con người thành các quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật, phải có cơ chế bảo đảm cho các quy định đó được thực hiện trong thực tế, tạo thành đảm bảo pháp lý thực hiện quyền con người. Nói cách khác, đảm bảo pháp lý bảo vệ quyền con người chính là đảm bảo thực hiện quyền con người bằng pháp luật.

{keywords}
Ảnh min họa: Phố đi bộ Nguyễn Huệ

Thể chế hóa quyền con người trong hệ thống pháp luật, không chỉ là cụ thể hóa quyền con người thành các quyền và nghĩa vụ cụ thể của công dân và những người không phải là công dân hoặc bị tước đi quyền công dân. Nó còn bao hàm cả việc quy định các hình thức, biện pháp xử lý những hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân, quy định về tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước, chức năng nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và công chức Nhà nước, xây dựng hệ thống các thủ tục trong tố tụng trong đó có tố tụng hình sự, cụ thể hóa các công ước quốc tế về quyền con người mà các quốc gia đã tham gia ký kết hay phê chuẩn nhằm đảm bảo thực hiện bảo vệ quyền con người.

Quyền con người được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật thành hệ thống các quy định nêu trên, nhưng nếu không có cơ chể bảo đảm thực hiện các quy định đó thì không thể nói đã có đảm bảo pháp lý bảo vệ quyền con người. Vì vậy, phải triển khai các hoạt động phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, giải thích pháp luật, hướng dẫn thực hiện pháp luật… nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho các thành viên xã hội, hình thành văn hóa pháp lý trong đời sống xã hội.

Đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong việc tổ chức thực hiện pháp luật, nhất là nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật của bộ máy Nhà nước, phải bảo đảm cho các quy định nhằm thực hiện bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong hệ thống pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh, các hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân ngày càng giảm, còn có hiện tượng vi phạm thì càng phải được phát hiện, xử lý kịp thời.

Từ năm 2014 đến nay Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới 96 văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phù hợp với Hiến pháp 2013.

Một số đạo luật quan trọng được Quốc hội thông qua trong thời gian này gồm có: Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014, Luật nhà ở 2014, Bộ Luật hình sự 2015, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, Luật trưng cầu dân ý 2015, Luật an toàn thông tin mạng 2015, Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Luật trẻ em 2016, Luật báo chí 2016, Luật tiếp cận thông tin 2016, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, Luật an ninh mạng 2018, Luật lao động 2019, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, Luật giáo dục 2019, Luật thi hành án hình sự 2019.

Thu Thủy