Hiện cả 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone đều đã triển khai mạng 5G tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM. Với tốc độ cao hơn 10 lần so với 4G hiện tại, 5G được kỳ vọng sẽ giải quyết các bài toán khó hơn về mạng dữ liệu, mang tới những trải nghiệm tốc độ mượt mà hơn.

{keywords}
Việt Nam tiến hành thương mại 5G bằng 100% thiết bị trong nước. Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông đánh giá, với 5G, cơ hội để doanh nghiệp phát triển các phần mềm, thiết bị cho mạng 5G, cơ hội cho ngành sản xuất thiết bị đầu cuối của Việt Nam tham gia thị trường cung cấp thiết bị đầu cuối 5G. Đặc biệt là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp khi được chính thức cấp phép 5G; xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh khi dự kiến tham gia đấu giá tần số 5G; dựa vào mô hình kinh doanh để dự kiến mức trả giá, chi phí sử dụng tài nguyên trong tương lai. Việc thử nghiệm thương mại giúp nhà mạng xây dung kế hoạch sản xuất kinh doanh sát thực tế hơn, người dùng trải nghiệm tính năng tốc độ cao.

"Điểm nổi bật của 5G là cung cấp các dịch vụ có độ trễ thấp, mật độ thiết bị kết nối 5G trong khu vực nhỏ rất cao. Đây là điểm nổi bật trong các khu công nghiệp, khu nghiên cứu phát triển. Sẽ có một số KCN được phủ sóng 5G, cơ hội để doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu của các KCN, cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các KCN. Chất lượng dịch vụ 5G sẽ được xây dựng, xác định khác biệt so với trước.

Ngoài quy chuẩn Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành liên quan tốc độ cao của 5G, nhu cầu thực tế của mỗi KCN, KCX, nhà máy sẽ khác nhau. Đây chính là yêu cầu, sở cứ để nhà mạng xây dựng chất lượng phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Đó sẽ là cơ hội để nhà mạng mở rộng lĩnh vực kinh doanh trong tương lai", ông Nhã phân tích.

Đại diện Cục Viễn thông cho biết, Việt Nam sẽ không chỉ có 5 mạng di động cung cấp 5G. Mà tất cả doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam, thấy đủ khả năng về kinh tế, kỹ thuật, tài chính đều có thể đăng ký tham gia đấu giá băng tần, tài nguyên tần số là điều kiện đầu tiên, tiên quyết để triển khai 5G.

"Số lượng doanh nghiệp cung cấp 5G trong tương lai phụ thuộc vào mong muốn tham gia thị trường, số lượng băng tần sẽ cung cấp cho mạng 5G. Theo tôi biết có nhiều tần số có thể triển khai mạng 5G", ông Nhã cho biết.

Ông Nguyễn Duy Lâm, Chuyên gia về giải pháp và sản phẩm vô tuyến – Huawei Việt Nam khuyến nghị, các nhà mạng nên tập trung giải pháp phù hợp mạng lưới để giảm chi phí và thời gian triển khai. 

Về chiến lược phát triển, chuyên gia Huawei đề xuất nên, tập trung triển khai ở các thành phố lớn trước với. Hiện các thành phố lớn có khoảng 70 – 80% trạm lắp trên mái nhà nên không đủ không gian để treo thiết bị 5G. Huawei đề xuất giải pháp ăng-ten có nhiều cổng kết nối, hỗ trợ nhiều băng tần, trên cột chỉ cần 1 ăng ten, có thêm không gian để lắp thiết bị 5G. Có thể tiết kiệm được 12 triệu USD/năm.

Ông Lâm khuyến nghị, Việt Nam nên sẵn sàng cho dịch vụ B2B. B2B là lĩnh vực trọng yếu của 5G, thay đổi hoàn toàn so với 4B. Ước tính sẽ tạo 6.900 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu, chủ yếu lĩnh vực sản xuất, ICT, bán lẻ, dịch vụ công cộng. Khi triển khai 5G, B2B thúc đẩy nền kinh tế.

“Hiện ở Việt Nam, 5G đã chín muồi, B2B cũng đã sẵn sàng, có thể triển khai ngay lập tức”, ông Lâm nhấn mạnh.

Thu Hằng, Trung Dũng