Dân tự nguyện hiến đất mở đường

Minh Khương là xã 135 còn nhiều khó khăn của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, với xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, kết cấu hạ tầng kém đồng bộ.

Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, một trong những giải pháp được xã Minh Khương thực hiện từ nhiều năm nay là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường, xây dựng nhà văn hóa… nhằm xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thôn Cao Phạ nằm cách trung tâm xã khoảng hơn 4 km, tuy nhiên tuyến đường liên thôn, đường vào khu sản xuất của người dân trong thôn nhỏ, hẹp, dốc đá gồ ghề… dẫn đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn.

{keywords}
Minh Khương: Phát huy sức dân trong xây dựng nông thôn mới



Năm ngoái, Cao Phạ được Nhà nước hỗ trợ làm đường bê tông nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhà nước hỗ trợ kinh phí, người dân hiến đất mở rộng đường. Thực hiện chủ trương này, thôn đã tổ chức họp, tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích trong việc làm đường, xây dựng nông thôn mới; đồng thời vận động nhân dân, đặc biệt là các hộ dân có đất sản xuất dọc theo tuyến đường, tự nguyện hiến đất để làm đường bê tông.

Anh Trần Văn Mong, Trưởng thôn cho biết, sau quá trình vận động, 12 hộ dân trong thôn (hộ dân có đất sản xuất mà tuyến đường chạy qua) đã tự nguyện hiến hơn 6.800 m2 đất sản xuất để giúp thôn mở rộng tuyến đường dài 1,6 km từ thôn Cao Phạ đến thôn Gốc Sảng. Đặc biệt, trong 12 hộ dân hiến đất có 4 hộ dân thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo của thôn Cao Phạ. Cuối năm 2019, tuyến đường được khởi công, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành.

Vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Minh Khương Triệu Ngọc Phúc, Minh Khương có trên 1.000 hộ dân, trong đó 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Dao. Là xã đặc biệt khó khăn nên chính quyền luôn trăn trở tìm các giải pháp phù hợp nhất để thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Song song với việc vận động người dân đóng góp, hiến đất làm đường giao thông, nhà văn hóa… xã còn vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tăng thu nhập, tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới…

Sau gần 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, sự đoàn kết, nỗ lực của người dân, Minh Khương đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện xã đã hoàn thành 10/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới: Trên 92% số người trong độ tuổi lao động có việc làm; 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 100% số thôn đạt thôn văn hóa; gần 70% kênh mương được kiên cố hóa… Đời sống của người dân địa phương từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm xuống hơn 28%; thu nhập bình quân đầu người đạt 21,6 triệu đồng/người/năm (tăng 14,9 triệu đồng so với năm 2011).

Phó Bí thư Đảng ủy xã Minh Khương Triệu Ngọc Phúc chia sẻ, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song việc xây dựng nông thôn mới ở Minh Khương còn rất nhiều khó khăn. Việc phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao; thiếu vốn trong đầu tư sản xuất kinh doanh, cải tạo và xây dựng nhà ở nông thôn…

Do đó, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh chất lượng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về xây dựng nông thôn mới; tổ chức phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới với phương châm cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước, vận động nhân dân làm theo; xây dựng các loại hình tổ chức sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, tăng cường liên doanh, liên kết với doanh nghiệp chuyển giao khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; tập trung phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp là thế mạnh của xã.

Những kết quả thu được là cơ sở để xã Minh Khương phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Phạm Thiện
Ảnh: Diệu Thúy