Cuối năm 2020, đầu năm 2021, các ổ dịch liên quan đến gia súc liên tiếp xảy ra ở nước ta, như: Lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi…. Điều này gây ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành chăn nuôi, gây thiệt hại đáng kể về kinh tế đối với người dân.

Những năm gần đây, chăn nuôi lợn của tỉnh Nam Định có tốc độ phát triển khá nhanh với tổng đàn hàng năm khoảng 700 nghìn con.

Với số lợn trên, lượng chất thải ra môi trường rất lớn, nếu không có giải pháp xử lý tốt sẽ là nguồn thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các địa phương.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Trong bối cảnh dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định đã triển khai xây dựng “Mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao”.

Bản chất của mô hình là phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hữu cơ, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh với lở mồm long móng...

Mô hình được áp dụng thử nghiệm tại một số hộ chăn nuôi lợn ở các huyện: Ý Yên, Giao Thủy, Nam Trực, Xuân Trường…

Các đơn vị, hộ nuôi trong mô hình đã thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật được hướng dẫn từ khâu chăm sóc, nuôi dưỡng đến vệ sinh thú y và phòng bệnh; thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh môi trường; thức ăn được bổ sung men vi sinh, tăng khả năng tiêu hóa đồng thời giảm mùi hôi thối.

Vấn đề vệ sinh môi trường được các hộ quan tâm thực hiện tốt, hàng tuần môi trường xung quanh chuồng trại được sát trùng 2-3 lần bằng thuốc có mức kháng khuẩn rộng như BKA, Vickon…

Trước cổng chuồng, mỗi dãy chuồng nuôi đều có hố hoặc khay sát trùng. Đặc biệt, lượng chất thải được xử lý bằng đệm lót sinh học và men vi sinh, tạo môi trường an toàn cho người lao động và đàn lợn nuôi.

Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố về các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi có sự tham gia của doanh nghiệp, HTX đều mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định.

Thông qua thực hiện các mô hình liên kết đã đào tạo được một bộ phận nông dân có kiến thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, thay đổi cách nghĩ, nếp làm từ sản xuất tự phát, lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật sang thực hành sản xuất an toàn gắn với bảo vệ môi trường.

Mô hình này đã giải quyết được bài toán về bảo vệ gia súc trước dịch bệnh nguy hiểm, đồng thời tăng năng suất, cải thiện kinh tế cho người chăn nuôi.

Thời gian tới, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh. 

Diệu Thúy