Chàng trai Đỗ Hoàng Khôi (Hà Nội – SN 2002) đang học năm thứ nhất ngành Điện tử viễn thông tại Đại học Bách Khoa Hà Nội có niềm đam mê đặc biệt với nghiên cứu khoa học.

Ngay từ khi mới học cấp III, Khôi đã giành giải Nhất cuộc thi “Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia 2019” với sản phẩm dự thi là nghiên cứu phòng thí nghiệm ảo, điều khiển qua điện thoại, máy tính bảng.

{keywords}
Chàng trai Đỗ Hoàng Khôi.

Từ bản 2D Khôi vẫn tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp sản phẩm với nhiều tính năng hơn.

Khôi tiếp cận với lĩnh vực lập trình từ năm lớp 6, tự mày mò học qua mạng. Năm lớp 8, Khôi có thể viết được những phần mềm đơn giản.

Khi học cấp III, là dân chuyên về môn tự nhiên nhưng Khôi học yếu môn Hóa học. Theo Khôi, những giờ lý thuyết khô khan, ít thực hành không kích thích được tính sáng tạo của học trò. 

Bên cạnh đó, do chi phí để xây lắp phòng thí nghiệm, mua dụng cụ thực hành và vật tư tiêu hao cho một số môn học đặc thù như Hóa học, Vật lí, Sinh học… còn quá cao nên nhiều trường vẫn chưa có phòng thí nghiệm hoặc có nhưng không đủ thiết bị, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của học sinh.

Những ngày mày mò tìm phương pháp học tập, Khôi nảy ra ý tưởng thiết lập một phòng thí nghiệm ảo trên nền tảng các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng… để hỗ trợ học sinh tiếp cận các môn học như Vật lý, Hóa học, Sinh học được dễ dàng.

Phần mềm giúp thầy cô giáo mô tả các bài thực hành một cách trực quan hơn, sinh động.

“Phòng thí nghiệm ảo không chỉ giúp các trường học tiết kiệm chi phí mà còn đảm bảo an toàn cho học sinh trong việc thực hành. Thực tế đã có nhiều trường hợp học sinh làm thí nghiệm hóa học, do sơ sẩy đã xảy ra tai nạn đáng tiếc”, Khôi giải thích.

Khôi cho biết, theo tìm hiểu của em, đã có nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến việc thực hành thí nghiệm ảo như Crocodile Chemistry của Crocodile Clips. Tuy nhiên chưa có công trình nào được triển khai trên nền tảng điện thoại thông minh và mô tả nội dung môn học bám sát với sách giáo khoa Việt Nam.

Sau khi “thai nghén” ý tưởng, Khôi tự đi khảo sát nhu cầu và mong muốn của hàng trăm học sinh.Từ những ý kiến thu được, Khôi bắt tay vào triển khai xây dựng ứng dụng trên nền tảng điện thoại thông minh, chạy hệ điều hành Android mang tên là Virtual Laboratory (Phòng thí nghiệm ảo).

{keywords}
Khôi đưa sản phẩm đi dự thi khi còn học cấp III

Bản đầu tiên ra đời là 2D, sử dụng chức năng đơn giản. Ứng dụng được chạy thử nghiệm với 200 học sinh trường THPT Kim Liên và thầy cô nhà trường.

Người học và giáo viên sẽ đeo một chiếc kính mô phỏng và bước vào không gian ảo cùng lúc, dựa trên thiết bị điều khiển. Mỗi lần đăng nhập, ứng dụng có thể sử dụng cho khoảng 60 người.

“Ngay từ đầu thiết lập, em đã tính toán cả việc giờ học có các tiết dự giờ”, Khôi cho hay.

Nhiều ý kiến đánh giá cao tính ứng dụng thực tiễn của thiết bị này khi hình ảnh sinh động, mô phỏng các phản ứng hóa học và người dùng có thể tương tác với nhau… 

{keywords}
Phòng thí nghiệm ảo ở dạng 2D

“Việc sử dụng ứng dụng này giúp học sinh thích thú trong học tập và chủ động được bài học trước khi đến lớp. Các phản ứng ảo giúp người dùng hình dung trước về hoạt động phản ứng thật nên sẽ có sự chuẩn bị chu đáo và an toàn trước khi tiến hành phản ứng thật”, Khôi nói.

Chàng trai trẻ cho biết, sau khi đưa vào thực tiễn, sản phẩm được đón nhận nhưng người dùng nhanh nhàm chán vì ít tính năng, thao tác lặp đi lặp lại một cách đơn điệu.

Từ mong muốn mọi tạo được sự hứng khởi với người dùng, Hoàng Khôi tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp sản phẩm lên 3D với nhiều tính năng hấp dẫn.

Theo Khôi tính toán, sản phẩm sẽ giúp tiết kiệm khoảng 6 tỷ cho 600 trường học so với đầu tư vào các phòng thí nghiệm hiện đại.

Mặc dù đón nhận nhiều lời khen nhưng Khôi chia sẻ em chưa có ý định thương mại hóa sản phẩm hay kêu gọi đầu tư vì còn một số yếu tố cần khắc phục.

Hiện thay vì điều khiển qua điện thoại thông minh, Khôi đã đưa vào thiết bị cầm tay với các phím chức năng, giúp người học có thể dễ dàng điều khiển hơn. 

{keywords}
Hoàng Khôi đang nghiên cứu để phát triển phòng thí nghiệm ảo lên 3D, 4D

"Bây giờ là giai đoạn em tích lũy thêm kiến thức, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân về tài chính, quản lý doanh nghiệp... Dự định khoảng 3 năm nữa em sẽ khởi nghiệp với sản phẩm này", Khôi tâm sự. 

Quang Sơn