Vừa qua, VIETRAD, nền tảng trực tuyến sử dụng công nghệ học máy để kiểm tra, giám sát và cải thiện hiệu quả chẩn đoán ung thư vú thông qua hình ảnh, đã chính thức ra mắt sau một năm xây dựng.

Dự án VIETRAD được triển khai nhờ vào khoản hỗ trợ hơn 340.000 đô la Úc từ Chính phủ Australia thông qua chương trình Aus4Innovation.

Cải thiện hiệu chẩn đoán sớm ung thư vú

Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam với hơn 10.000 ca mới mỗi năm. Phần lớn bệnh nhân khi phát hiện bệnh đã ở các giai đoạn muộn khiến cho việc chữa trị trở nên khó khăn hơn và tỉ lệ sống sót thấp hơn.

Khả năng phát hiện sớm phụ thuộc vào việc bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể đọc chính xác nhũ ảnh. Điều này là vô cùng quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả chữa trị và tiên lượng bệnh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỉ lệ phát hiện chính xác các dấu hiệu bất thường trên nhũ ảnh khá thấp, chỉ ở mức dưới 50%.

VIETRAD sử dụng cách tiếp cận và đào tạo chẩn đoán hình ảnh tiên tiến từ Australia, chuyển giao công nghệ bởi Đại học Sydney. Các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ dựa trên dữ liệu nhũ ảnh tổng hợp từ Việt Nam và Australia để thực hành và cải thiện kĩ năng đọc nhũ ảnh. Ngoài ra, các lỗi chẩn đoán các bác sĩ mắc phải sẽ được chỉ ra và công nghệ học máy sẽ giúp tăng độ chính xác của hệ thống và nâng cao khả năng của các bác sĩ.

Cách tiếp cận này có thể nâng cao độ chính xác trong chẩn đoán nhũ ảnh của các bác sĩ từ mức dưới 50% hiện nay lên 85%. Tỷ lệ này cũng là  tỷ lệ chẩn đoán chính xác mà các bác sĩ chuẩn đoán hình ảnh người Úc đạt được khi sử dụng nền tảng này.

Đại sứ Australia tại Việt Nam bà Robyn Mudie chia sẻ, Australia tự hào vì từ lâu đã cung cấp những hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, cả về chính sách lẫn thực hành. Chương trình hỗ trợ Đối tác Đổi mới sáng tạo của Australia với mục tiêu nhân rộng những ý tưởng sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội đang hỗ trợ rất nhiều những dự án thú vị như VIETRAD.

{keywords}
Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam. Ảnh minh họa

“Tôi đặc biệt hào hứng với dự án này bởi ung thư vú vẫn luôn là mối lo lắng về sức khỏe lớn của phụ nữ, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu”, bà Robyn Mudie nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá, VIETRAD là một phần mềm lần đầu tiên có tại Việt Nam và tin tưởng sáng kiến sẽ góp phần cải thiện hiệu quả sàng lọc và chẩn đoán sớm ung thư vú cho phụ nữ Việt Nam. Với khả năng truy cập từ xa, mọi bác sĩ trên toàn quốc có thể tự tiếp cận và sử dụng phần mềm, qua đó chủ động nâng cao năng lực.

Ông Thuấn cũng cho biết, ông kỳ vọng phần mềm đào tạo này sẽ được duy trì và mở rộng để các bác sỹ chẩn đoán hình ảnh trên phạm vi toàn quốc có thể tiếp cận được, đồng thời đề nghị nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phát triển sang các phương thức chẩn đoán hình ảnh khác như siêu âm, cộng hưởng từ cũng như mở rộng cho các nhóm bệnh khác có thể được phát hiện qua chẩn đoán hình ảnh như ung thư phổi, lao.

“Tôi cũng hy vọng Việt Nam tiến tới sẽ là trung tâm nghiên cứu và đổi mới về ung thư vú dựa trên nhũ ảnh ở khu vực Đông Nam Á.”, ông Trần Văn Thuấn bày tỏ.

Nền tảng VIETRAD sẽ được giới thiệu và triển khai tại một số bệnh viện ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh sau khi các bác sĩ từ các bệnh viện này được tập huấn sử dụng.

Dự án VIETRAD được tài trợ bởi hợp phần Đối tác Đổi mới sáng tạo của Aus4Innovation, chương trình hợp tác 4 năm (2018-2022) với tổng ngân sách 11 triệu đôla Úc nhằm củng cố hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, chuẩn bị cho nền kinh tế và công nghệ của Việt Nam trong tương lai số. Chương trình được đồng tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương Mại Australia (DFAT) và InnovationXchange (IXC), quản lý bởi Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) với đối tác chiến lược là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Minh Vy