Hiện nay, BHXH Việt Nam đã triển khai ứng dụng CNTT ở hầu hết các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu của ngành BHXH như: Giao dịch điện tử trong công tác thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; giám định điện tử chi phí khám chữa bệnh BHYT thông qua Hệ thống thông tin giám định BHYT; số hóa hồ sơ lưu trữ; các phần mềm phục vụ công tác tài chính - kế toán, quản lý văn bản và điều hành...

{keywords}
Các giải pháp mang tính đột phá trong cải cách hành chính do ngành Bảo hiểm xã hội đã, đang triển khai nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Thủ tục giảm từ hơn 100, xuống còn 27

Nhờ đó, người sử dụng lao động đã giảm được nhiều thời gian để thực hiện các giao dịch liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội; cá nhân mất thẻ bảo hiểm y tế có thể đề nghị cấp lại qua Cổng dịch vụ công quốc gia… Kết quả này có được là nhờ toàn ngành Bảo hiểm xã hội đã nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ đối tượng tốt hơn.

Bà Lê Ngọc Anh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Thanh Xuân thông tin, từ tháng 12-2019 đến nay, người dân có nhu cầu cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do hỏng hoặc mất, mà không thay đổi thông tin cá nhân, chỉ cần truy cập vào địa chỉ https://www.dichvucong.gov.vn  và đề nghị cấp lại qua Cổng dịch vụ công quốc gia, không phải đến cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Tương tự, cơ quan Bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng phục vụ.

Ông Trần Văn Hoan, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Chương Mỹ cho hay: “Tháng 4 vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, huyện Chương Mỹ vẫn giải quyết và trả hồ sơ đúng hạn đạt 99,95%”. Trong khi đó, tỷ lệ giải quyết và trả hồ sơ đúng hạn trên toàn thành phố những tháng đầu năm 2020 cũng đạt gần 100%.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, số lượng thủ tục do ngành quản lý đã giảm hơn 75%; từ hơn 100 thủ tục, xuống còn 27 thủ tục. Toàn ngành cũng đẩy mạnh thực hiện các giao dịch điện tử để nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính.

Chị Nguyễn Thị Thắm, cán bộ phụ trách công tác bảo hiểm xã hội, Công ty TNHH K+K Fashion đánh giá, việc kê khai nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động qua giao dịch điện tử giúp các đơn vị, doanh nghiệp giảm được nhiều thời gian, chi phí…

{keywords}
Đội ngũ công chức, viên chức trong ngành BHXH đã có những nhận thức tích cực về tầm quan trọng của CCHC

Trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, ngành Bảo hiểm xã hội cũng đẩy mạnh việc giao dịch điện tử. Hiện tại, toàn ngành đang kết nối với gần 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để giải quyết các thủ tục cho người dân. Lượng hồ sơ giao dịch điện tử đề nghị Bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đạt hơn 160 triệu lượt hồ sơ/năm.

Tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ

Nhằm phục vụ tốt hơn các đối tượng tham gia chính sách bảo hiểm, ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Ba Đình mong muốn các cơ quan chức năng đẩy nhanh việc tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Còn bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, ngành Bảo hiểm xã hội cần tiếp tục cắt, giảm thành phần, số lượng giấy tờ, hồ sơ, giảm số giờ giao dịch bảo hiểm xã hội của các đơn vị, doanh nghiệp....

{keywords}
Ảnh minh họa.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), các cơ quan chức năng ngành Bảo hiểm xã hội đang nghiên cứu để triển khai 10 dịch vụ có tên trong danh mục dịch vụ công tích hợp theo Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 24-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2020”.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn phối hợp với Văn phòng Chính phủ thực hiện việc kết nối liên thông, xác thực thông tin đăng nhập cho 6 dịch vụ đối với đơn vị sử dụng lao động, trong đó có những dịch vụ quan trọng như đăng ký, điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cấp sổ bảo hiểm xã hội và thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết hưởng chế độ thai sản…

Hai dịch vụ đối với cá nhân cũng đang thực hiện kết nối liên thông, đó là giải quyết di chuyển đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và người chờ hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ tỉnh này đến tỉnh khác; lĩnh chế độ bảo hiểm xã hội bằng tiền mặt chuyển sang lĩnh bằng tài khoản cá nhân và ngược lại…

Kim Chi
Ảnh: Văn Bắc