“Trái tim của chuyển đổi số"

Ngày 16/12, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tập đoàn IEC tổ chức Hội thảo và Triển lãm Công nghệ ngân hàng năm 2020.

Với chủ đề “Hành trình chuyển đổi số ngành ngân hàng trước những thách thức thế hệ mới,” các chuyên gia tham dự Hội thảo đã thảo luận những vấn đề cơ bản nhất trong chuyển đổi số ngành ngân hàng, đồng thời phân tích, đánh giá các cơ hội và thách thức trong quá trình dịch chuyển từ dịch vụ ngân hàng truyền thống sang mô hình số hóa, bao gồm tái thiết kế hệ thống, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng và bảo mật thông tin, dữ liệu.

{keywords}
Trong thời đại công nghệ, cuộc chiến về an toàn, an ninh mạng không còn là cuộc chiến giữa người với máy móc, giữa tin tặc và các hệ thống bảo vệ công nghệ đơn thuần.

Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho biết, năm 2020 đánh dấu dấu mốc quan trọng là Việt Nam bắt đầu khởi động chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Khối tài chính và ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong trụ cột kinh tế số. Dòng tiền là mạch máu của doanh nghiệp và các tổ chức ngân hàng, tài chính là “trái tim của chuyển đổi số.”

Để chuyển đổi số trong ngành tài chính, ngân hàng của Việt Nam phát triển nhanh chóng, bắt kịp thế giới, trái tim ấy phải thực sự nhanh, thông minh và quan trọng nhất là phải an toàn, bền vững. Đây là những mục tiêu, tiêu chí hành trình chuyển đổi số trong ngành tài chính, ngân hàng.

Trước đây, thách thức của ngành tài chính, ngân hàng là tìm câu trả lời cho câu hỏi “chọn sự tiện lợi hay sự an toàn,” vì để đảm bảo an toàn cao thì mất đi sự tiện lợi và mất đi khách hàng do gặp khó khăn khi sử dụng hệ thống của ngân hàng.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số, yếu tố tiện lợi và an toàn phải song song thực hiện. Hệ thống ứng dụng của ngân hàng phải ngày càng tiện lợi hơn, thông minh hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn, song, quá trình đảm bảo an toàn, an ninh mạng, đảm bảo nguồn tài chính cho các cá nhân, tổ chức phải được các ngân hàng, tổ chức tài chính tiến hành đồng thời.

Đây là thách thức lớn của ngành tài chính, ngân hàng trong chuyển đổi số.

Trong tất cả các ngành trong xã hội, ngành ngân hàng, tài chính là lĩnh vực cần chú trọng an toàn, an ninh mạng nhiều nhất, bởi tin tặc thường chọn ngành này để thực hiện tấn công có chủ đích.

Những nguy cơ rủi ro an toàn, an ninh mạng nói chung và ngành ngân hàng, tài chính nói riêng sẽ ngày càng gia tăng và phức tạp, khó đoán trước.

Thay đổi phương thức tiếp cận với khách

Trong thời đại công nghệ, cuộc chiến về an toàn, an ninh mạng không còn là cuộc chiến giữa người với máy móc, giữa tin tặc và các hệ thống bảo vệ công nghệ đơn thuần.

Những đối tượng lừa đảo sử dụng trí tuệ nhân tạo, những công cụ công nghệ thông minh, đột phá để tấn công mạng, do đó, các ngân hàng, tổ chức tài chính cần sử dụng những dịch vụ tương ứng.

Không thể chỉ sử dụng nhân lực con người thuần túy, mà trí tuệ con người phải kết hợp với trí tuệ nhân tạo, những hệ thống công nghệ cao. Để an toàn, ngành ngân hàng, tài chính phải nhanh hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn.

Ông Trần Quang Hưng nhấn mạnh, trong thế giới số, không một cá nhân, ngân hàng, tổ chức tài chính nào có thể an toàn khi một mình, đơn lẻ, có đủ đội ngũ chuyên gia, khả năng tài chính, hạ tầng công nghệ, nền tảng phần mềm đủ để loại bỏ hoàn toàn các cuộc tấn công mạng.

Do đó, cần hình thành nên mạng lưới chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, tổ chức ngân hàng, tài chính để đối phó với những nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng luôn thường trực.

Các bên liên quan cần thống nhất về cơ chế phối hợp để khi có sự cố xảy ra, dữ liệu khách hàng không bị lọt, lộ, khắc phục nhanh nhất và giảm thiểu tối đa hậu quả.

Trước đây, chỉ cần bảo vệ hệ thống lõi của ngân hàng là đã có khả năng bảo vệ thông tin khách hàng rất tốt, nhưng hiện nay, chính người dùng, khách hàng là đối tượng để tin tặc tấn công lừa đảo (Fishing).

Những trang web giả mạo, cổng thanh toán trung gian được lập, nhân bản, gửi đến khách hàng nhằm thu thập thông tin về tài khoản, bảo mật của khách hàng, để từ đó tội phạm tiến hành lừa đảo trực tiếp khách hàng qua tài khoản cá nhân.

Trong trường hợp này, phía ngân hàng cần đầu tư nâng cấp hệ thống để phát hiện sớm các nguy cơ tấn công tiềm ẩn, xử lý nhanh khi sự cố xảy ra. Đồng thời, quan trọng hơn là cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho người dùng để giảm thiểu rủi ro.

Để truyền thông hiệu quả, ngành tài chính, ngân hàng cần phải liên kết với nhau và liên kết với các đơn vị quản lý an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và đặc biệt là các đơn vị truyền thông để thông tin về các hành vi lừa đảo tài sản trong ngân hàng của khách hàng.

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho ngành ngân hàng, tài chính, vì giúp các ngân hàng thương mại mở rộng thị trường, giảm chi phí quản lý, điều hành, nâng cao tỷ suất, hiệu quả kinh doanh qua các sản phẩm chuyển đổi số.

Trong thời kỳ số, các ngân hàng cần thay đổi phương thức tiếp cận với khách, thay vì lấy sản phẩm là trung tâm thành khách hàng và phục vụ, thỏa mãn những kỳ vọng của khách hàng trong giao dịch tài chính, ngân hàng.

Vĩnh Sang, Trung Dũng