Theo Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), dịch Covid-19 bùng phát trong tháng 8, nhiều địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ nông sản dẫn đến giá nhiều nông sản giảm khá mạnh. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh này cũng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất nhập khẩu như: Giảm đơn hàng của một số doanh nghiệp xuất khẩu, thiếu hụt lao động.

Các thị trường ngoài nước đã xảy ra tình trạng thiếu nguồn hàng cung ứng, thiếu container rỗng, ứ đọng cục bộ vận tải do đường hàng không, đường thủy bị thu hẹp, thiếu hụt lao động, gây tổn thương đến thương mại nông sản trên thị trường quốc tế.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành Nông nghiệp 8 tháng năm 2021 vẫn đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành chỉ đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22% so với tháng 7/2021.

Ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho rằng, để giữ được đà tăng trưởng, từ nay đến cuối năm toàn ngành Nông nghiệp, Bộ chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp cụthểnhằmthúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản. Theo đó, cần điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo vừa chống dịch, thiên tai hiệu quả vừa đảm bảo cung ứng tốt lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu trên các lĩnh vực sản xuất.

{keywords}
Ngành nông nghiệp điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất

Cụ thể, trong trồng trọt phải điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Đối với các vụ lúa còn lại, bám sát thực tế để có biện pháp chỉ đạo đạt năng suất, sản lượng cao nhất, đặc biệt là vụ Thu Đông ở ĐBSCL.

Trong chăn nuôi phải tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi; tiếp tục chính sách hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật để tái đàn, tăng đàn an toàn sinh học nhằm ổn định thị trường và giá cả thịt lợn. Đồng thời, theo dõi sát nhu cầu thị trường, diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới để kịp thời phối hợp với địa phương, doanh nghiệp triển khai các biện pháp không để tình trạng tăng đột biến về giá và không đảm bảo về chất lượng thức ăn chăn nuôi.

Với lĩnh vực thuỷ sản, cần tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để khai thác hải sản.

Trong lâm nghiệp, phải nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị từng loại rừng, hiệu quả kinh tế rừng trồng. Thực hiện hiệu quả Hiệp định VPA/FLEGT để gia tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU.

Về đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, theo ông Việt, cần tăng cường kết nối, phối hợp với các tập đoàn viễn thông (Viettel Post, VNPT Post), các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, GoViet…) đề xuất hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường giao dịch điện tử, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản tham gia vào các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ;

Ngoài ra, đẩy mạnh xây dựng và đưa vào vận hành website kết nối cung cầu nông sản và hàng hóa các tỉnh phía Nam (https://htx.cooplink.com.vn/); tổ chức các Diễn đàn Kết nối tiêu thụ nông sản.

Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng tập trung để giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic; hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt trên các sàn thương mại điện tửtrong tình hình dịch Covid-19.

Về xuất khẩu, hướng dẫn doanh nghiệp, địa phương về thực thi chính sách, quy định của các thị trường xuất khẩu phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Phối hợp chặt chẽ với các Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản,..., ông Việt nêu rõ.

{keywords}
Kiến nghị cho phép xã hội hóa việc xét nghiệm, tiêm vắc xin, cho phép doanh nghiệp được chủ động tìm nguồn, mua và chủ động tiêm phòng cho lao động với hướng dẫn của CDC địa phương (ảnh: Phạm Hải)

Trong báo cáo vừa gửi tới Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Vụ Kế hoạch kiến nghị Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn tại địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm vắc xin.

Cụ thể, người dân đã tiêm đủ 1 mũi và 2 mũi vắc xin sẽ được đi đâu, làm gì ở các tỉnh, thành phố mà tỷ lệ tiêm vắc xin đạt trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Điều này nhằm duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Bên cạnh đó, cho phép xã hội hóa việc xét nghiệm, tiêm vắc xin, cho phép doanh nghiệp được chủ động tìm nguồn, mua và chủ động tiêm phòng cho lao động với hướng dẫn của CDC địa phương.

Với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, kiến nghị có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm; xem xét xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho ngành nông nghiệp.

Trình Chính phủ, Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Kiến nghị gửi tới Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải là có biện pháp tháo gỡ về chi phí logistics trong xuất khẩu hàng hóa; chỉ đạo các tập đoàn phân phối trong nước tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản tại địa phương nơi có hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, xem xét hỗ trợ giảm ít nhất 1/2 chi phí điện năng cho các doanh nghiệp hoạt động trong sản xuất chế biến phải duy trì “3 tại chỗ” (nhất là các nhà máy, kho lạnh)...

Với các tỉnh, thành phố, yêu cầu duy trì theo dõi, dự báo và lập kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nhằm đảm bảo tăng trưởng ổn định, điều tiết được cung cầu hàng hóa nông sản phục vụ tại chỗ và cung cấp cho các tỉnh thành;không để ách tắc ở khâu vận chuyển vật tư đầu vào của ngành Nông nghiệp.

Tạo điều kiện cho lực lượng dịch vụ vận chuyển và người lao động trong các cơ sở sản xuất ban đầu và nhà máy sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm thiết yếu, người laođộng tại các cơ sở chăn nuôi, chế biến giết mổ, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y…được tiếp cận và tiêm vắc xin phòng Covid-19 sớm nhất có thể để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đơn giản hóa các thủ tục để hàng hóa nông sản được lưu thông thuận lợi trên địa bàn.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".

Hà Giang