Sáng ngày 12/11/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức hội thảo “Tìm hiểu nội hàm kinh tế số”. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nguyễn Thị Hương chủ trì Hội thảo. Tham dự hội thảo gồm có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị liên quan thuộc Tổng cục Thống kê; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, kinh tế số là từ được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây. Tổng cục Thống kê đã có một số nghiên cứu ban đầu về kinh tế số và mong muốn các đơn vị có liên quan đóng góp ý kiến dưới những góc nhìn khác nhau để bổ sung và làm rõ khái niệm, phạm vi, thang đo, nguồn thu thập về kinh tế số tại Việt Nam. Từ đó có thể đưa các chỉ tiêu đo lường kinh tế số vào các cuộc điều tra để làm rõ sự đóng góp của kinh tế số đối với tăng trưởng kinh tế - xã hội.

{keywords}
Hội thảo “Tìm hiểu nội hàm kinh tế số” hôm 12/11

Tại Hội thảo, đại diện Tổng cục thống kê đã trình bày một số nội dung về nội hàm kinh tế số. Ngày 27 tháng 9 năm 2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 03 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến 2030”. Theo Quyết định này, Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, trong đó:

- Bộ Thông tin và Truyền thông có vai trò tham mưu, đề xuất lên Thủ tướng xem xét, quyết định trong quá trình triển khai chương trình chuyển đổi số.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê về kinh tế số, xây dựng phương pháp mới trong thu thập dữ liệu nhằm đo lường tác động của chuyển đổi số lên các mặt kinh tế - xã hội và người dân; định kì công bố.

Trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu có một số khái niệm về kinh tế số như:

(1) Theo nhóm cộng tác kinh tế số của Oxford, kinh tế số (digital economy) là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet.

(2) Tại “Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019”, kinh tế số được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số, và phát triển kinh tế số, sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới.

Kinh tế số đang dần trở thành chính bản thân nền kinh tế, nội hàm của kinh tế số cũng dần trùng khít với các nội hàm của khái niệm kinh tế. Nội dung thảo luận của cuộc Hội thảo tập trung ba vấn đề: (1) Xác định kinh tế số là một ngành riêng trong Hệ thống phân ngành hay lẫn trong các ngành đã có sẵn?; (2) Nếu xác định kinh tế số là một phần của các ngành hiện có thì cách tiếp cận và tính toán tỷ lệ kinh tế số như thế nào?; (3) Các chỉ tiêu cần xây dựng, phương pháp tính, phân tổ, phân công thu nhập, cách tính toán?

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận, đóng góp ý kiến về một số nội dung liên quan đến kinh tế số.

Kết luận Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đề nghị các đơn vị đầu mối có liên quan nhanh chóng tập trung hoàn thành khái niệm, định nghĩa và phạm vi, các chỉ tiêu áp dụng; đưa vào kế hoạch chiến lược để thực hiện hàng năm; phối hợp với các bộ, ngành liên quan đưa ra các danh mục chỉ tiêu để đưa vào danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, từ đó tiến hành đo lường và đặc biệt là ứng dụng trong các cuộc điều tra.

 

Sự phát triển mạnh mẽ song hành giữa các công nghệ số hóa (điển hình là Internet vạn vật) và kinh tế số (điển hình là sự xuất hiện và phát triển của nhiều hình thức kinh doanh sáng tạo và đa dạng) đã tạo nên sự biến đổi to lớn và nhanh chóng đối với kinh tế, xã hội và mọi mặt của đời sống con người. Kinh tế số đã trở thành một thành phần kinh tế đóng góp một tỷ trọng đáng kể với xu thế ngày càng tăng trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, kinh tế số cũng làm phát sinh không ít các thách thức đáng quan tâm về khái niệm kinh tế số, mô hình phát triển kinh tế số và đo lường kinh tế số. Tìm ra các mô hình (khái niệm, phát triển, đo lường) kinh tế số nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế như Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới, Ngân hàng thế giới, v.v.

 

Hồ Nhuỵ