Với vai trò quan trọng của ngành thống kê

Trong một hội nghị hồi đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng, “nói có sách mách có chứng”, cho nên xây dựng, hoạch định chính sách, đường lối phát triển của đất nước phải dựa trên số liệu khoa học, như vậy mới đi vào cuộc sống thực tiễn.

Khẳng định số liệu thống kê là khách quan, chặt chẽ, đúng pháp luật, Thủ tướng nhấn mạnh, “chưa bao giờ hay bất cứ đồng chí lãnh đạo nào yêu cầu Tổng cục Thống kê phải sửa số liệu này, số liệu khác trong quá trình thống kê kinh tế - xã hội đất nước” và cho biết “hằng tháng, sau ngày 25, tôi đều muốn nghe xem các đồng chí thống kê nói cái gì”.

Nhìn lại thành tựu phát triển đất nước, đều có sự đóng góp của ngành Thống kê. Nhiều chỉ tiêu quan trọng khác như năng suất lao động tăng, xóa đói giảm nghèo giảm nhanh; đời sống người dân được cải thiện rõ nét từ vùng sâu, vùng xa đến vùng bị thiên tai; các lĩnh vực văn hóa, thể thao, quốc phòng cũng đạt được thành tích cao…

{keywords}
Ngành Thống kê phải đổi mới hơn nữa theo tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam

 

Số liệu thống kê đã chứng minh với quốc tế nền kinh tế Việt Nam đã phát triển trên nhiều mặt, cả số lượng và chất lượng. Trước kia, nhiều người hay nghĩ tăng trưởng chủ yếu do vốn tín dụng nhưng theo số liệu thống kê mới công bố thì tăng trưởng tín dụng năm 2019 hơn 13%, trong khi đó tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 33-34% GDP. Đây là điều quan trọng khi sức dân được huy động. Nhiều công trình lớn, có ý nghĩa không chỉ từ vốn Nhà nước mà từ vốn tư nhân, doanh nghiệp.

“Tôi có thể nói về chủ trương nhưng nếu không có số liệu thống kê một cách đầy đủ thì chưa thuyết phục”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng nhấn mạnh rằng, ngành Thống kê đã thực hiện tốt nhiệm vụ đánh giá lại quy mô GDP, bảo đảm theo thông lệ quốc tế, có cơ sở khoa học. Đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như IMF, UNDP để tính toán, đưa ra số liệu chính xác, kịp thời. “Không phải vì bệnh thành tích mà chúng ta tính quy mô GDP mới”, Việc tính lại GDP làm căn cứ để hoạch định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới.

Thủ tướng cũng đánh giá cao ngành Thống kê tổ chức thành công cuộc Tổng điều tra dân số 2019, đặc biệt là việc áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của Tổng điều tra. Trong thành quả của đất nước có sự đóng góp to lớn của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê, đồng thời đánh giá, biểu dương sự đóng góp của ngành Thống kê thông qua việc cung cấp hệ thống số liệu thống kê một cách chính xác, khoa học, kịp thời để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành các cấp, đặc biệt là trong việc cập nhật tăng trưởng, kiểm soát lạm.

Thống kê phải đổi mới hơn, theo tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin thống kê, đặc biệt công tác phân tích, dự báo, “chúng tôi muốn ngày càng nhiều hơn các báo cáo chuyên đề thông tin, tư liệu tình hình quốc tế, trong nước, phục vụ kịp thời, hiệu quả hơn công tác chỉ đạo”. Đồng thời, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam và các đề án lớn của Ngành, nhất là Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Tiếp tục tổng hợp, công bố việc điều chỉnh quy mô GDP năm 2018, 2019, 2020 và số liệu GDP các địa phương, xây dựng bộ số liệu đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương phục vụ cho việc chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thủ tướng nhấn mạnh lại vai trò của số liệu thống kê, nếu không có hệ thống số liệu chính xác thì định hình chính sách sẽ sai.

Thủ tướng yêu cầu ngành Thống kê phải đổi mới hơn nữa phương pháp, chế độ thống kê theo tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam, trong đó tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung nghiên cứu phương pháp thống kê mới, hiện đại, nhất là những thông tin rất quan trọng như năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, các khu vực kinh tế chưa được quan sát, các chỉ tiêu giám sát, đánh giá quá trình cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Đồng thời, tăng cường kết nối và khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu thống kê, dữ liệu hành chính đặc biệt từ các ngành như thuế, hải quan, tài chính, ngân hàng, tiến tới kết nối, chia sẻ dữ liệu kinh tế - xã hội thông qua trục liên thông quốc tế, hệ thống thông tin quốc gia. Thực hiện tốt các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực thống kê, trong đó hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN. Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, đặc biệt cán bộ trẻ, cán bộ nữ có phẩm chất, năng lực tốt, trình độ chuyên môn cao, tạo nên nền tảng nhân lực vững chắc để xây dựng ngành Thống kê. Cần có một chương trình thu hút nhân tài cho ngành Thống kê Việt Nam.

Đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin thống kê về tình hình kinh tế - xã hội đến các doanh nghiệp và Nhân dân để làm sao cho các con số thống kê là “con số biết nói”, biến thành hành động. Thủ tướng mong muốn toàn ngành Thống kê tiếp tục đoàn kết, thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên, “xả thân” hết mình vì sự nghiệp phát triển của đất nước.

Hoàng Đức, Đình Thành