Chuyển đổi số để phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp

Trong một cuộc trò chuyện với báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp ngành thuế đáp ứng được yêu cầu quản lý thuế hiện đại, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Đến nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh.

Việc triển khai những dịch vụ thuế điện tử đã giúp doanh nghiệp giảm thời gian đi lại nộp hồ sơ, nộp tiền thuế; thông tin khai, nộp thuế của doanh nghiệp được lưu trên hệ thống của cơ quan thuế có thể được tra cứu lại dễ dàng giúp giảm chi phí quản lý, doanh nghiệp cũng không phải cung cấp lại thông tin cho cơ quan quản lý đối với những hồ sơ điện tử đã nộp tới cơ quan thuế.

Theo kết quả đánh giá do VCCI công bố, sự hài lòng của người nộp thuế với sự phục vụ của cơ quan thuế năm 2019 là 7,79 điểm (78%), tăng 3% so với năm 2016.

{keywords}
Cùng với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; Tổng cục Thuế tiếp tục xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý. Ảnh minh họa

Cùng với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; Tổng cục Thuế tiếp tục xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý. Ngành thuế sẽ tiếp tục mở rộng triển khai các dịch vụ: Khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà, nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ, thuế thủ tục hành chính đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho người nộp thuế.

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã có “Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang chủ động gấp rút tổ chức triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, kinh tế đảm bảo đáp ứng yêu cầu mà Chính phủ đã đề ra và đã đạt được một số thành tựu đối với các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian vừa qua, trong đó đối với dịch vụ công trực tuyến, Bộ Tài chính đã hoàn thành cung cấp 977 dịch vụ công trực tuyến, trong đó gồm 583 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 (đạt tỉ lệ 60%), hoàn thành tích hợp 296/583 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia (vượt 21% mục tiêu Bộ Tài chính đã được Chính phủ giao).

Trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính đang phấn đấu sẽ hoàn thành xây dựng hệ sinh thái tài chính số hiện đại với những nền tảng và cơ chế kết nối, chia sẻ thông minh tạo ra những giá trị gia tăng thông minh để phát triển kinh tế số, đảm bảo cơ chế chia sẻ dữ liệu công khai, minh bạch.

Hiện đại hóa hướng tới những giá trị gia tăng thông minh

Thời gian qua, ngành Thuế đã không ngừng thực hiện nhiệm vụ cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế toàn diện trên tất cả các mặt công tác.

Trong cải cách thể chế quản lý thuế, ngành Thuế đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế, qua đó góp phần giảm chi phí, thời gian cho người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế, được cộng đồng doanh nghiệp, người dân và xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Ngành Thuế đã rà soát, hoàn thiện các văn bản để đảm bảo cơ sở pháp lý đồng bộ trong công tác thu ngân sách nhà nước. Cùng với đó, mở rộng số lượng hộ kinh doanh tham gia để tăng thêm tính dân chủ, bổ sung các quy định về hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, quy định đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá, rượu bia khi thực hiện công nghệ in tem, tem điện tử và các quy định đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động đối với đại lý thuế, nhân viên đại lý thuế... nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế.

Để hiện thực hóa mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, ngành Thuế đã triển khai chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp” trên phạm vi cả nước, nhằm giúp doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận được với các thông tin hỗ trợ thông qua các kênh hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp như lập các điểm hỗ trợ trực tiếp, bố trí số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (email) hỗ trợ. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành, tiến hành kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ (như: các đại lý thuế, tổ chức T-VAN, doanh nghieepj cung cấp phần mềm kế toán, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thư số...) để hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập.

Ngành Thuế đẩy mạnh cải cách công tác quản lý đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, chế độ kế toán thuế thông qua việc đơn giản hoá hồ sơ, thủ tục, mẫu biểu tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện đăng ký, khai thuế, nộp thuế; đồng thời vẫn đảm bảo cơ quan thuế có đầy đủ thông tin quản lý thuế cần thiết về người nộp thuế; liên thông với các cơ quan nhà nước có liên quan (cơ quan đăng ký kinh doanh, ngân hàng, tổ chức tín dụng, Kho bạc, Hải quan...) trong quá trình giải quyết các thủ tục về thuế cho người nộp thuế như hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, thủ tục nộp thuế...; áp dụng quản lý rủi ro trong công tác quản lý đăng ký thuế, khai thuế, hoàn thuế thông qua việc chuẩn hoá thông tin về người nộp thuế trên toàn quốc nhằm hoàn thiện cơ sở dữ liệu định danh người nộp thuế đầy đủ, chính xác và cập nhật kịp thời…

Năm ngoái, ngành Thuế đã triển khai dịch vụ thuế điện tử (khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử) trên toàn quốc, cơ bản đáp ứng yêu cầu về triển khai Chính phủ điện tử, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Cụ thể, về khai thuế, đối với người nộp thuế là doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đã triển khai dịch vụ khai thuế điện tử tại tất cả 63 Cục thuế cấp tỉnh và 100% Chi cục thuế trực thuộc; đã phối hợp với 54 ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử chiếm tỷ lệ 99,53% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; đã triển khai hoàn thuế điện tử tại 63/63 tỉnh, thành phố, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử đạt 93,61%, tỷ lệ hồ sơ hoàn tiếp nhận bằng phương thức điện tử đạt 95,80%.

Những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của ngành Thuế Việt Nam đã được ghi nhận tại các chỉ số liên quan đến thuế trong Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 của Ngân hàng Thế giới, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nâng dần vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Kết quả này là minh chứng về nỗ lực lớn lao của ngành thuế nhằm góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng bền vững.

Diệu Linh