Tiềm năng lớn về phát triển năng lượng mặt trời

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước. Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Việt Nam và Cơ quan hợp tác phát triển Tây Ban Nha (AECID), Nghệ An được đánh giá là một trong các địa phương tại Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng mặt trời với số giờ nắng trung bình đạt khoảng 1.700 – 2.000 giờ/năm, thuộc nhóm các khu vực có số giờ nắng cao trên cả nước, và lượng bức xạ mặt trời trung bình khoảng 4.73kWh/m2/ngày. Với vị trí địa lý và khí hậu Nghệ An có thể khai thác điện mặt trời hiệu quả trong cả năm, đặc biệt là từ tháng 4 cho đến tháng 10.

Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng trên địa bàn tỉnh tăng cao qua các năm và việc phát triển nguồn cung năng lượng hoá thạch ngày càng được hạn chế nhằm giảm thiệu các tác động đến môi trường, Nghệ An đã và đang ưu tiên phát triển nguồn điện từ nguồn năng lượng sạch, tái tạo như điện mặt trời, góp phần thay thế các nguồn năng lượng truyền thống đang cạn kiệt. Đồng thời, kêu gọi cộng đồng đẩy mạnh công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Sở Công Thương Nghệ An hiện đang xây dựng Đề án “Lắp đặt mô hình thí điểm hệ thống điện mặt trời mái nhà cho cơ quan, công sở” nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường và tiết giảm chi phí năng lượng.

Ban hành hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo

Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Điều này đã thúc đẩy các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị chuyển hướng sang sản xuất và sử dụng dạng năng lượng này, góp phần thay thế các nguồn năng lượng đang cạn kiệt. 

Trên tinh thần này, Tỉnh Nghệ An đã xây dựng kế hoạch số 330 ngày 16/6/2021 về triển khai thực hiện định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

{keywords}
Ảnh minh họa

Kế hoạch được ban hành nhằm tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến 2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo Kế hoạch.

Tại Kế hoạch, UBND tỉnh Nghệ An đã đưa ra các mục tiêu cụ thể như cung cấp đủ nhu cầu năng lượng của tỉnh, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (giai đoạn 2021 - 2030), góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Phát triển đồng bộ lưới điện truyền tải và phân phối trên địa bàn tỉnh đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu điện các năm theo Quy hoạch được phê duyệt, ưu tiên các địa bàn khu vực biên giới.

Cùng với đó, ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới hợp lý, phù hợp với tiềm năng địa phương, tỉnh Nghệ An đề xuất Bộ Công Thương xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định đảm bảo tổng cung cấp năng lượng sơ cấp Quốc gia đạt mục tiêu khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045. Xây dựng hệ thống lưới điện hiện đại, thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng… Tỉnh đã tiến hành khảo sát sơ bộ, nghiên cứu để tiến tới nghiên cứu, lập quy hoạch đầu tư năng lượng mặt trời tương đương công suất hàng nghìn MWp. Theo đó, có khoảng 1.600 ha diện tích có thể khai thác đầu tư năng lượng mặt trời tương đương công suất 1.300 MWp.

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức nghiên cứu để đề xuất, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững lĩnh vực điện lực; lập quy hoạch, kế hoạch, phương án phát triển hạ tầng lưới điện nhằm cấp điện kịp thời, ổn định, nâng cao chất lượng điện năng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phục vụ tiêu dùng dân cư, chú trọng cấp điện nông thôn.

Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất việc phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hoá, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững, đảm bảo các yếu tố về môi trường. Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất trong việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng sạch như, năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, điện rác...

Thu Hà