Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu là bước đột phá lớn, có ý nghĩa định hình chiến lược phát triển bền vững ĐBSCL theo hướng tổng thể, đồng thời, tích hợp với tầm nhìn dài hạn và khát vọng về một vùng ĐBSCL trù phú, thịnh vượng, lấy con người làm trung tâm, coi việc sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác là triết lý phát triển.

Trong 3 năm qua, Nghị quyết đã tạo chuyển biến căn bản về mặt nhận thức, tư duy phát triển ĐBSCL theo hướng “thuận thiên”. Từ chỗ phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên ưu đãi như điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lợi thủy sản… đã chuyển đổi sang phát triển dựa vào năng suất lao động, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Tư duy phát triển đã thay đổi toàn diện, coi nước mặn, nước lợ là tài nguyên để chuyển đổi cơ cấu, phát triển sản xuất hiệu quả. Trên cơ sở đó, đa dạng hóa sản phẩm như lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản nước ngoạt, nước lợ, nước mặn.

{keywords}
Phát triển các đô thị trung tâm - ĐBSCL tìm cách chung sống với biến đổi khí hậu

Chương trình tổng thể của Nghị quyết đã xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù cho vùng như thành lập Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL, lập nhiệm vụ quy hoạch tổng thể ĐBSCL theo phương pháp tích hợp đa ngành với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín hàng đầu về lập quy hoạch; phê duyệt các đề án về tái cơ cấu nông nghiệp bền vững; xúc tiến thương mại; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy liên kết giữa nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà nông trong sản xuất, tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm; ưu tiên khuyến khích đầu tư tư nhân; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sâu, chế biến tinh; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao…

Trong triển khai Nghị quyết, ĐBSCL được coi là thể thống nhất trong đa dạng, từ đó triển khai nhiều giải pháp, chương trình, quy hoạch mang tính liên ngành, liên vùng như công tác quy hoạch, công tác dự báo, cảnh báo cho tổng thể vùng; các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai trên phạm vi toàn vùng, từ đó triển khai các giải pháp, biện pháp về tích nước, chuyển đổi thời gian canh tác, mùa vụ, khắc phục xâm nhập mặn… hay như đầu tư các công trình có tính kết nối toàn vùng như đường giao thông, thủy lợi.

Đã huy động sự chủ động vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, các đối tác quốc tế và đặc biệt là thực hiện được mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Từ đó, giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới theo hướng “phát triển nhưng không để ai ở lại phía sau”.

Từ các kết quả thực hiện Nghị quyết như đã nêu ở trên, đã xuất hiện nhiều mô hình, sáng kiến hay, nổi bật là: Mô hình trồng lúa mùa chất lượng cao kết hợp nuôi tôm càng xanh tại tỉnh Kiên Giang, mô hình nuôi cá tra, mô hình nuôi tôm nước lợ, mô hình kinh tế hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị của tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, mô hình du lịch sinh thái của tỉnh An Giang, mô hình lúa chịu mặn thích ứng biến đổi khí hậu của tỉnh Bến Tre… Những mô hình này đã từng bước tạo sinh kế bền vững cho người dân, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân vùng ĐBSCL đã có những thay đổi đáng kể.

Kiều Oanh - Ảnh Hồng Liên