Theo số liệu thống kê, hiện tổng đàn lợn của huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định đạt trên 63.500 con, đàn trâu bò đạt 1.746 con.

Với mục tiêu hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường, phòng ngừa dịch bệnh... UBND huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn, các địa phương quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, tạo điều kiện cho người dân đầu tư chăn nuôi khép kín, quy mô lớn, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, chứa chất thải để sử dụng trong nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tuyên truyền cho người dân, từng bước thay đổi tư duy chăn nuôi, chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư chăn nuôi khép kín, quan tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh…

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Trang trại của chị Nguyễn Thị Thùy Linh ở xã Xuân Thủy (Xuân Trường) là cơ sở thí điểm chăn nuôi lợn sạch theo mô hình khép kín.

Chị chia sẻ, chăn nuôi theo phương pháp sinh học hay công nghệ vi sinh là những mô hình mà nhiều bà con nông dân đang áp dụng nhằm tạo ra những sản phẩm thịt lợn hữu cơ an toàn tới người tiêu dùng.

Từ tháng 8/2020, chị xây dựng chuồng nuôi lợn kín với 10 ô, mỗi ô có diện tích 80m2 đáp ứng yêu cầu chăn nuôi đệm lót sinh thái. Nền chuồng được thiết kế thành 2 phần, một nửa nền chuồng phía sau thấp hơn phía trước hơn 30cm có độ dốc 1-20. Trước khi nhập lợn, chuồng nuôi luôn được vệ sinh sạch sẽ và khử trùng bằng xút, Iodine, focmon, thuốc tím...

Lợn được nhập từ nơi an toàn dịch bệnh. Toàn bộ chuồng trại được quản lý điều hành qua hệ thống camera, internet và điện thoại.

Toàn bộ diện tích nền chuồng phía sau sử dụng đệm lót sinh học dày 40cm được làm từ nguyên liệu chính là trấu trộn với chế phẩm vi sinh MT-Bimix. Chị Linh còn kết hợp trộn men tiêu hóa Citristim vào thức ăn - một chế phẩm vi sinh có tác dụng giảm thải lượng và mùi của phân.

Đàn lợn được tiêm thuốc kháng sinh định kỳ phòng bệnh và các loại vắc-xin: dịch tả lợn cổ điển, lở mồm long móng, tai xanh…

Nếu theo phương pháp chăn nuôi truyền thống, người chăn nuôi sẽ phải tốn công thu gom chất thải, rửa chuồng hàng ngày và sử dụng hầm biogas vừa mất rất nhiều thời gian, nhân công và việc xử lý môi trường cũng không triệt để, mầm mống virus gây bệnh vẫn còn tiềm ẩn…

Khi áp dụng đệm lót sinh học và hình thức chăn nuôi khép kín, người chăn nuôi sẽ không phải thực hiện các công đoạn đó vì các nhân tố sinh học là các vi sinh vật được cấy trong đệm lót sẽ kìm hãm sự phát triển của các vi sinh vật gây mùi, có hại trong nền chuồng nuôi và tiêu hủy hoàn toàn mùi hôi.

Nguồn thức ăn cho lợn nấu từ ngũ cốc, ủ theo công nghệ vi sinh. Nguyên liệu chủ yếu như ngô, khô đậu tương, cám gạo, vitamin tổng hợp.

Sau 1 năm áp dụng mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn khép kín, đàn lợn trong trang trại chị Linh sinh trưởng, tăng trọng tốt, sức đề kháng của đàn lợn cao. Đặc biệt lợn không bị nhiễm bệnh dịch nguy hiểm, tỷ lệ hao hụt thấp, khoảng 0,25%.

Quy trình chăn nuôi trên đã mang lại hiệu quả kinh tế, chi phí thức ăn, thuốc thú y, khấu hao chuồng, điện nước… bán ra thị luôn được giá cao hơn thịt lợn ngoài thị trường.

Ông Phạm Thanh Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy cho biết: Đây là một trong những mô hình cần nhân rộng tại địa phương để giúp địa phương đảm bảo tiêu chí môi trường nông thôn, góp phần xây dựng NTM nâng cao, hướng tới kiểu mẫu, giảm thiểu dịch bệnh động vật và ngăn ngừa nguy cơ xâm nhiễm bệnh từ bên ngoài.

Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, khép kín, bảo vệ đàn gia súc trước dịch bệnh, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương trong huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi; xây dựng và triển khai các dự án, mô hình theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học.

Minh Phúc