{keywords}
Các cầu thủ Việt Nam đã nhiều lần đem lại cảm hứng cho người hâm mộ.

Suốt một năm qua, các cầu thủ Việt Nam đã nhiều lần đem lại cảm hứng cho người hâm mộ.

Tôi cứ nghĩ mãi về một điệp khúc vang lên khá nhiều từ các bình luận viên trong suốt năm qua cũng như từ trước đó :”Các cầu thủ của chúng ta đã xứng đáng với sự cổ vũ cuồng nhiệt của người hâm mộ".

Phải rồi, các cầu thủ đã hơn cả xứng đáng với sự yêu quý, cổ vũ từ các fan bóng đá.

Nhưng chiều ngược lại thì sao, liệu người hâm mộ của chúng ta đã xứng đáng với sự cống hiến của các cầu thủ?

Tôi nhớ, sau trận vô địch AFF Cup, thật tuyệt vời, đã có nhiều thông tin về hành động đẹp của người hâm mộ.

Đã có video về việc dòng người đi bão đêm đó tự động nhường đường cho xe cứu thương qua cầu Chương Dương.

Đã có những hình ảnh một vài nhóm cổ động viên ở lại sau trận đấu, nhặt rác trên khán đài và quanh sân vận động.

Đã có thông tin về người hâm mộ dù đang trong không khí cuồng nhiệt, vẫn đồng loạt dừng xe trước đèn đỏ.

Và hầu như không thấy nói gì  về những cảnh ăn mừng quá lố thành phản cảm.

Chiến thắng dường như truyền cảm hứng khiến mọi người thấy mình phải ứng xử tốt hơn, và thật sự là đã có nhiều thông tin tích cực về người hâm mộ, hơn hẳn những trận trước.

Nhưng đó mới chỉ là một phần rất nhỏ.

Tôi sợ cái cách mỗi lần đội tuyển thua, hay trượt một cú ghi bàn, không ít cư dân mạng, vừa trận trước ca ngợi các cầu thủ lên mây xanh, đột ngột quay ngoắt lại ném đá dữ dội cầu thủ bị xem là tội đồ.

Chẳng phải Hà Đức Chinh, trong trận chung kết lượt đi AFF Cup, dù thi đấu năng nổ trừ khâu ghi bàn, sau đó đã rón rén hỏi người quản lý: Thế giới nói gì về em hả chị?

Hay việc Văn Lâm bị khuất phục bởi cú sút của đối phương vào phút thứ 90 trong trận đấu với Iraq ở Asian Cup tuần trước, lập tức phải hứng chịu không ít chỉ trích.

Hay là việc cổ động viên Việt Nam đã vào trang FB - cả thật lẫn giả, của trọng tài người Iran cầm còi trận chung kết AFF và có những lời lẽ quá khích - điều từng lặp đi lặp lại nhiều lần mỗi khi trọng tài hay cầu thủ đối phương bị cho là không công bằng, chơi xấu.

Rồi hình ảnh quen thuộc, vẫn là rác tràn ngập sân vận động Mỹ Đình sau trận chung kết AFF: Đồ ăn thức uống thừa, và nhất là rác thải nhựa - túi nylon, vỏ chai nước, hộp xốp. Và hình ảnh đó không chỉ là sau trận bóng, mà là sau bất kỳ sự kiện công cộng nào: Sau đêm Noel, sau Giao thừa Tết Dương lịch.

Và nhức nhối nhất vẫn là vấn đề giao thông. Mỗi lần đội tuyển thắng là tất cả chúng ta chứng kiến cảnh xe máy, ô tô chở quá tải người ăn mừng khua chiêng gõ trống, là việc vô số người đi đường không đội mũ bảo hiểm. Và hàng loạt va chạm, ẩu đả, tai nạn giao thông trong những  "đêm bão". 

Thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông, được báo chí dẫn lại, là sau đêm chung kết AFF Cup, cả nước xảy ra 19 vụ tai nạn đường bộ dẫn đến 14 người tử vong, 10 người bị thương.  Có cả hình ảnh người hâm mộ ở Sài Gòn ăn mừng bằng cách đốt xe máy.

Vui, nhưng đừng vui thái quá - những lời khuyến nghị, những poster tích cực hài hước được tung lên mạng kêu gọi ứng xử văn minh ngay sau mỗi trận đấu, nhưng thật khó mà thành hiện thực.

Vẫn là một sự xấu xí của không ít cổ động viên, với lý do hạnh phúc vỡ òa vì chiến thắng.

Đừng nói những hành động văn minh đó là ngoài tầm kiểm soát của mỗi người. Ta hoàn toàn tiết chế được việc tiện đâu vứt rác đấy, hạn chế dùng đồ nhựa một lần, hoàn toàn có thể đội mũ bảo hiểm, đi lại tuân thủ theo luật giao thông - nhất là chuyện giao thông, bởi đã quá nhiều bài học đau lòng sau mỗi cuộc đi bão nhân danh sự ủng hộ cho đội tuyển.

Chúng ta hoàn toàn có thể tiết chế việc ném đá, chửi bới trên mạng xã hội, không chỉ với các cầu thủ hay trọng tài, cầu thủ đối phương, mà với bất kỳ sự kiện, hiện tượng nóng nào. Rồi sự kiện qua rất nhanh, những người đã múa phím rất nhanh quên họ nói gì, chỉ có sự tổn thương với đối tượng bị ném đá là còn mãi.

Ứng xử văn minh là lựa chọn của mỗi cổ động viên, không chỉ sau từng trận đấu, từng giải đấu, mà trong cuộc sống hàng ngày.

Đồng ý, đội tuyển bóng đá Việt Nam đã xứng đáng với sự cổ vũ nhiệt tình của người hâm mộ. Nhưng còn chiều ngược lại, liệu cổ động viên chúng ta có xứng đáng với một thế hệ cầu thủ tài năng, cống hiến hết mình?

Mỹ Hằng