Trong những năm qua, việc tấn công trên mặt trận văn hóa, tư tưởng được các thế lực thù địch coi là “mũi đột phá” hòng làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn tư tưởng, dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, từ đó từng bước chuyển hóa, tiến tới xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa.

Hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng diễn ra ngày càng quyết liệt, nóng bỏng.

Trong bối cảnh lợi dụng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã liên tục phát tán những thông tin xấu độc với mục đích gây hoang mang dư luận, phá hoại nền sản xuất trong nước và nghiêm trọng hơn là chống phá Nhà nước, chính quyền.

Với đặc tính lan tỏa nhanh, mạng xã hội đang là phương tiện nguy hiểm nhất, có phạm vi tác động nhanh nhất, vượt qua rào cản ngôn ngữ, khoảng cách địa lý và các nỗ lực ngăn chặn để phổ biến nhanh, gây tác hại trên diện rộng hơn bất cứ hình thức chống phá nào. 

Trước thực trạng trên cần nhận diện rõ thông tin xấu, độc, từ đó đẩy lùi tác động của nó đối với nhận thức của mỗi người.

{keywords}
 Người phụ nữ đăng tin sai sự thật về virus Corona trên facebook vào đầu tháng 2/2020 bị xử lý. 

Ta có thể nhận diện thông tin xấu, độc tán phát trên Internet và mạng xã hội là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch.

Thông tin có nội dung không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục như: kích động bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống…; thông tin sai trái, độc hại có tính chất tội phạm tin học như lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, tán phát vi rút… 

Thông tin sai trái, độc hại có tính chất chính trị như chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam hòng phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, phủ nhận thành tựu, đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước…; xuyên tạc lịch sử dân tộc, nhất là lịch sử các cuộc kháng chiến, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; xuyên tạc thân thế, sự nghiệp, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng; vu cáo, bôi nhọ, giả mạo các đồng chí Lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang.

Thông tin kích động xu hướng ly khai, phá hoại sự thống nhất quốc gia, dân tộc, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tổ chức các hoạt động bạo lực phá hoại dưới cái mác “ôn hòa”, “bất bạo động”.

Truyền bá lối sống ích kỷ vụ lợi, xa hoa, trụy lạc, bạo lực và thù hận đối với cá nhân và tổ chức, nhất là đối với chủ nghĩa cộng sản và Đảng Cộng sản; phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền, áp đặt các giá trị văn hóa và lối sống phương Tây, nhất là về văn hóa chính trị.

Về mặt pháp luật, việc nhận diện thông tin xấu, độc đã được thể hiện tại khoản 1, Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và trong Luật An ninh mạng.

Đây là 5 phương thức, thủ đoạn các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị phát tán thông tin xấu, độc, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang sử dụng các phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt:

Một là, sử dụng không gian mạng để chống phá trực diện, thông qua các trang web, blog, các trang mạng xã hội facebook, youtube…, diễn đàn, báo điện tử khuếch trương thanh thế, cổ súy “giá trị” văn hóa phương Tây. Tạo lập các trang blog để thu hút lượng truy cập, như “Quan làm báo”, “Dân làm báo”, “Biển Đông’’, “Ba Sàm”, “Chân dung quyền lực”, “Tạp chí sự thật”, “Lỗi hệ thống”… để tuyên truyền, lôi kéo, tập hợp dư luận xã hội.

Hai là, lập những tài khoản giả mạo trên mạng xã hội, các website giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, những người có uy tín, nhân vật nổi tiếng trong xã hội…; qua đó tung tin bịa đặt, gieo rắc sự hoài nghi trong xã hội, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm từ đó kêu gọi, lôi kéo, kích động người dân tụ tập, biểu tình.

Ba là, sử dụng các trang mạng xã hội kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép, phá rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn. Các thế lực thù địch tạo lập và huy động những tài khoản giả mạo kêu gọi, lôi kéo, kích động người dân tụ tập, biểu tình và có các hành vi vi phạm pháp luật. Chúng sử dụng hàng loạt tài khoản đã được xây dựng trước, lấy 2-3 tài khoản làm trung tâm thường xuyên đăng tải bài viết, thông tin xuyên tạc về một chủ đề, lĩnh vực nhất định và hàng trăm tài khoản vệ tinh thực hiện nhiệm vụ chia sẻ trên các nhóm, diễn đàn phản động hoặc các nhóm có số lượng thành viên lớn.

Một trong những biểu hiện mới của thủ đoạn này là kêu gọi “Biểu tình ảo trên không gian mạng” bằng cách huy động, kêu gọi tất cả các tài khoản trên mạng xã hội gắn các biểu ngữ phản đối “Dự thảo Luật Đặc khu”, “Luật An ninh mạng” tạo ra hiệu ứng đám đông, trong đó người dùng mạng xã hội thường xuyên nhìn thấy các biểu ngữ phản đối hoặc những người không có lập trường tư tưởng vững vàng sẽ bị tác động thay đổi tư tưởng theo chiều hướng tiêu cực.

Bốn là, sử dụng các biện pháp công nghệ chống lại lực lượng an ninh mạng của ta. Các thế lực thù địch triệt để tận dụng các ứng dụng WhatApp, FireChat và các biện pháp công nghệ được hỗ trợ từ nước ngoài để vượt tường lửa. Lợi dụng chức năng của mạng xã hội facebook, youtube tường thuật trực tiếp sự việc; chuẩn bị lực lượng tiếp nhận video, biên tập ngay đề phòng bị lực lượng an ninh thu giữ máy quay trong lúc biểu tình.

Năm là, sử dụng thơ ca làm công cụ tuyên truyền, chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Các đối tượng phản động là nhà văn, nhà báo, ca sĩ… thường chuyển hóa các bài viết có sẵn thành thể thơ hoặc bài hát phát trên các kênh âm nhạc trực tuyến; đặt máy chủ ở nước ngoài để vượt qua các cơ chế kiểm duyệt bài viết của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chẳng hạn như các bài hát xuyên tạc của đối tượng Bùi Thanh Hiếu và Mai Ngô được đăng tải và tuyên truyền trên Youtube, Spotify thu hút nhiều lượt quan tâm.

Đặc biệt, các thế lực phản động đã kêu gọi tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm giọng hát đấu tranh” nhằm phát động phong trào sáng tác âm nhạc chống phá, xuyên tạc tình hình trong nước.

Kết hợp việc tạo lập các trang facebook, youtube (thu hút hơn 200.000 lượt xem và gần 1.000 người đăng ký theo dõi) để tuyên truyền, phát tán và đăng tải các bài hát chống phá với giai điệu hiện đại, theo phong cách thị trường, điều này cho thấy các đối tượng phản động đang hướng mạnh mục tiêu vào giới trẻ Việt Nam trong và ngoài nước.

Facebook là môi trường “lây lan” thông tin xấu, độc nhanh nhất. Trong đó, thông tin xấu, độc phổ biến nhất là lợi dụng các thông tin tiêu cực, chống tiêu cực được báo chí trong nước đưa trên mạng để thêm thắt, xuyên tạc nhằm bôi nhọ cá nhân, chống phá Nhà nước Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng… nguy hiểm và tinh vi hơn.

Xu hướng tán phát thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội trong thời gian tới sẽ tập trung chủ yếu vào những vấn đề sau:

Dựa trên những vấn đề phức tạp mới nảy sinh, những yêu cầu phát triển của đất nước, nhất là sự gia tăng nhanh chóng số lượng người sử dụng Internet, mạng xã hội, diễn biến theo chiều hướng phức tạp trong khu vực và Biển Đông, lợi dụng dịch bệnh Covid-19, lợi dụng những biểu hiện mới xuất hiện trên thế giới như khuynh hướng chống toàn cầu hóa để xuyên tạc, cản trở đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, kích động, cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan phát triển.

Cổ vũ xây dựng “Xã hội dân sự” ở Việt Nam, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền và hàng loạt vấn đề cốt lõi trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và các nghị quyết mới của Trung ương để chống phá.

Hướng nội dung tác động đến các đối tượng như công nhân trong vấn đề cho phép hình thành tổ chức công đoàn độc lập; nông dân trong việc triển khai chủ trương tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, cánh đồng mẫu lớn; văn nghệ sĩ, trí thức trong việc hình thành các hội nhóm đối lập núp dưới danh nghĩa phản biện xã hội…

Vạch trần những thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu lợi dụng không gian mạng đưa thông tin xấu độc, giả mạo trên không gian mạng là điều mang ý nghĩa quan trọng.

Qua đó, đề xuất các biện pháp chủ động phòng ngừa, đấu tranh, góp phần vào cuộc đấu tranh chống âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam.

Đây là 1 trong các giải pháp nhằm vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng chống dịch, không để đình trệ, đứt gãy các hoạt động kinh tế.

Bảo Phùng, Diệu Bình