Ngày 16/10, UBND TP HCM tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP HCM giai đoạn 2022-2025.”

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, chưa bao giờ thành phố gặp khó khăn, chịu tác động nặng nề như dịch Covid-19. Đến nay, thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp, cần nỗ lực nhiều hơn để kiểm soát hoàn toàn. Trong bối cảnh đó, thành phố phải tiến hành song song 2 nhiệm vụ là vừa phòng chống dịch, vừa tính toán, có kế hoạch lộ trình phục hồi kinh tế - xã hội.

“Trước tác động của đại dịch Covid-19, làm thế nào để tiếp tục thực hiện các mục tiêu nói trên, phấn đấu đạt kết quả cao nhất hoặc có điều chỉnh cần thiết nhằm tận dụng thời cơ mới, tạo động lực mới cho thành phố. Dự kiến trong tháng 10 này, thành phố sẽ hoàn thành dự thảo chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và HĐND thành phố thông qua trong kỳ họp cuối năm 2021,” ông Phan Văn Mãi cho biết.

Hội thảo đặt ra 3 vấn đề để giải quyết, gồm: Tập trung đánh giá, nhận diện xu hướng, diễn biến dịch cùng những tác động tích cực, tiêu cực đối với kinh tế thế giới, cả nước và TP. HCM; Các phương án giúp thành phố giữ vững vai trò “đầu tàu” kinh tế của cả nước, giữ vững vị trí trong mối tương quan giữa các thành phố trong khu vực và thế giới; Đưa ra kế hoạch nhằm duy trì, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. HCM lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025.

Bàn giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian tới, theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, có 5 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng của thành phố gồm 4 nhóm công nghiệp chủ lực. Trong đó, tập trung hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, ngành xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngành du lịch và thương mại.

Trước mắt, thành phố cần phục hồi sản xuất, kinh doanh, khôi phục những gãy đổ của chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường. Về dài hạn cần thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn với chương trình “số hóa” và tái cơ cấu nền kinh tế.

{keywords}
Nhiều giải pháp 'hồi sức' doanh nghiệp sau đại dịch

Theo TS. Trần Du Lịch, với "sức khỏe" của doanh nghiệp hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào sự hồi phục tự nhiên của thị trường, thì rất khó khăn và có nguy cơ suy sụp, không “đứng dậy” được. Do đó, Nhà nước phải đóng vai trò “bà đỡ” thông qua chức năng quản lý Nhà nước. Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều sử dụng “gói hỗ trợ tài chính” và chính sách nới lỏng tín dụng để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Về giải pháp tài chính, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Đại học Kinh tế - Luật TP. HCM cho rằng, giảm lãi suất có tác dụng kích thích tiêu dùng và đầu tư, được xem là công cụ giúp kích thích toàn diện nền kinh tế trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, dư địa để giảm lãi suất huy động không còn nhiều. Ngân hàng Nhà nước có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc song song với việc điều chỉnh thích hợp trần tăng trưởng tín dụng và chỉnh sửa một số vấn đề kỹ thuật trong quy định điều chỉnh kỳ hạn trả nợ của Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để tạo thuận lợi hơn trong việc giảm lãi suất cho vay và tái cấu trúc nợ của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch.

PGS. TS Hoàng Công Gia Khánh cũng khuyến nghị sử dụng 6 nguồn lực kiến tạo ngân sách cho thành phố gồm: nguồn tái phân bổ chi ngân sách, kiến nghị ngân sách Trung ương cấp bổ sung ngân sách; ngân sách Trung ương phát hành trái phiếu, chuyển nguồn cho thành phố; tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố; chuyển nhượng tài sản công và thành phố phát hành trái phiếu đô thị.

Tốc độ hồi phục kinh tế sau dịch phụ thuộc lớn vào tốc độ tái tạo việc làm. Vì thế các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động cần nhắm đến mục tiêu giúp doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng trở lại số lao động đã nghỉ việc, nghỉ không lương trước đây, thu hút lao động có tay nghề quay trở lại thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần vượt qua một thách thức trong tiến trình phục hồi kinh tế như việc chậm ban hành chính sách, tính thiếu nhất quán và đồng bộ của chính sách, vượt qua sức ỳ tâm lý và áp lực tuân thủ điều kiện an toàn, khả năng thích nghi, chấp nhận mô mình mới, cấu trúc mới cũng như sớm giải quyết các bất cập về thống kê, dự báo.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, với xu thế phục hồi tăng trưởng toàn cầu sẽ tác động tích cực đến Việt Nam, xuất khẩu có thể tăng trở lại từ tháng 11 trên cơ sở mở cửa bền vững và thích ứng an toàn. 

Ông Nguyễn Xuân Thành đề xuất thành phố cần ưu tiên chính sách tháo gỡ ắch tắc vận tải đường bộ và cảng biển. "TP HCM phải đi đầu trong mở cửa quốc tế. Nếu thành phố có thể mở cửa trước thì tác động phục hồi với du lịch, khách sạn, nhà hàng sẽ rất lớn", ông Nguyễn Xuân Thành nêu. Ngoài ra, cần bố trí vốn và đẩy nhanh tiến độ các công trình cơ sở hạ tầng. Các công trình tái khởi động sẽ giúp ngành xây dựng phục hồi trở lại.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TP. HCM cho rằng, lúc này nếu không kịp thời có các giải pháp hữu hiệu thì toàn bộ hệ thống sản xuất, kinh doanh hàng hóa không có cơ hội phục hồi hoặc phục hồi chậm chạp, tác động làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế của hộ gia đình, tỉnh thành và quốc gia. Thành phố và các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên có những giải pháp phục hồi nhanh chóng và hiệu quả.

"Các nhóm giải pháp có thể áp dụng gồm tiêm vắc xin, loại bỏ sự “cát cứ” địa phương trong chính sách chống dịch bệnh, từng bước phục hồi nguồn cung lao động cho các khu công nghiệp, nhà máy, cung cấp vốn và lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp. Trong đó thiết kế chính sách hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp thực hiện cơ cấu lại nợ, giảm thuế, miễn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp một cách hợp lý đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh", TS. Nguyễn Trọng Hoài đề xuất.

Về dài hạn, thành phố cần có chính sách chăm lo phúc lợi và an sinh xã hội cho công nhân và người lao động ở các khu công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phát triển đa cực vành đai công nghiệp thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông nội vùng. Tăng cường hàm lượng công nghệ hiện đại và tăng tỷ lệ lao động trình độ cao ở các nhà máy sản xuất.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".

Bảo Anh