Xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, mới hơn một năm chuyển đổi từ cây cà phê, vườn chuối của gia đình anh Huy đã bước vào thu hoạch vụ đầu tiên với doanh thu vượt trội.

Trước khi chuyển đổi trồng chuối Laba, gia đình anh Huy đã nắm chắc thị trường bao tiêu 100% sản phẩm đầu ra là HTX Laba Banana Đạ K’Nàng (tọa lạc tại thôn Đạ Mur, xã Đạ K’Nàng). Trong đó hợp đồng hai bên được ký kết với giá ổn định, hạch toán làm các phép tính đơn giản, anh Huy đã biết trước lợi nhuận trồng Laba thu hoạch vụ đầu của mình đã tăng khá nhiều lần so với cây cà phê mười năm tuổi.

{keywords}
Nhiều hộ dân vùng sâu đổi đời nhờ trồng chuối Laba.

Đầu tháng 2/2020, anh Huy đã thu hoạch hơn 4 tấn sản phẩm, được HTX Laba Banana Đạ K’Nàng thu mua nhanh với giá 5.500 đồng/kg theo thỏa thuận trước.

Chị Kon Sơ Ka Hương, dân tộc Chil cũng tham gia trồng chuối Laba. Chị Hương chia sẻ: “Trên khu vườn 1ha cà phê trồng hơn 20 năm, gia đình tôi xen canh 1.000 cây chuối Laba, mới thu ban đầu hơn 3 tấn bán tại vườn cho HTX Laba Banana Đạ K’Nàng chất lên xe bốn bánh chở đi với giá 5.500 đồng/kg. Chuối Laba cùng trồng chung với cây cà tím, ớt cay, bán được thấy nhiều tiền hơn cây cà phê”

Gia đình chị Đặng Thị Phương, dân tộc Dao cho biết, khi mới bắt đầu chuyển đổi 5.000 m2 cà phê để xuống giống trồng chuối Laba thì đã có người phụ trách kỹ thuật của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng trực tiếp xuống nơi chỉ cách làm. Rồi đến công đoạn tưới nước, bón phân, tỉa cành, bao phủ buồng chuối để ngăn côn trùng xâm nhập, cắt buồng chuối xuống thu hoạch …cũng đều có kỹ thuật viên của HTX hướng dẫn.

Ông Nguyễn Huy Phương, Giám đốc HTX Laba Banana Đạ K’Nàng cho hay, tất cả 200 ha diện tích chuối Laba liên kết sản xuất với HTX đều thực hành theo quy trình VietGAP. Hiện đối tác từ nước Nhật đã đầu tư khoảng 2 tỷ đồng gắn chip kết nối với điện thoại thông minh để theo dõi, điều khiển các “lệnh” canh tác chuối của HTX hàng ngày theo hướng GlobalGAP, nhằm đảm bảo sản lượng chuối chất lượng cao trong năm 2021 mỗi ngày xuất khẩu sang Nhật đạt từ 15 tấn đến 20 tấn…

Đây là một trong những hướng đi có thể giúp các nông hộ ở vùng sâu Đam Rông có công ăn việc làm từ đó mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững.

Thuý Nga
Ảnh: Hồng Liên