Đậu, dưa hấu sai trĩu, ớt đỏ đầy đồng

Cát Tài có diện tích đất sản xuất màu trên 350ha, chiếm 2/3 trong số diện tích này nằm dọc sông La Tinh, còn lại nằm ven chân núi Bà.

Là vùng quê thuần nông, từ xưa đến nay cuộc sống của người dân xã Cát Tài hầu như trông cậy cả vào vài trăm mét vuông đất trên đầu người với cây lúa. Trong khi sản xuất lúa với diện tích manh mún như thế nông dân chẳng thể khấm khá.

Không cam lòng với cuộc sống khốn khó, nông dân Cát Tài đã bứt ra khỏi những quy tắc truyền thống, là một mực bám vào cây lúa với kiểu canh tác cũ, tìm đến với các tiến bộ khoa học kỹ thuật và những cách làm mới.

{keywords}
Ớt chín đỏ rực trên đồng ở Cát Tài, huyện Phú Cát, tỉnh Bình Định.

Những diện tích trước đây sản xuất 3 vụ lúa/năm, thì nay đã được phá thế độc canh, chỉ còn làm 2 vụ lúa và 1 vụ màu: Lúa đông xuân, màu vụ hè và lúa vụ 3. Có những diện tích trước đây cũng làm 3 vụ lúa/năm, nay đã được chuyển thành 2 vụ màu và 1 vụ lúa/năm: Sản xuất đậu phộng vụ đông xuân; hành vụ hè; tiếp đến hành vụ thu.

Riêng vùng đất ven sông khoảng 50ha trước đây nông dân làm lúa đông xuân, làm mè vụ hè, vụ 3 làm lúa trở lại. Thế nhưng hiện nay trên vùng đất này không còn xuất hiện cây lúa nữa, mà đã được thay thế bằng cây hành trồng lấy lá bán cho người tiêu dùng ăn rau sống, hoặc ớt, dưa hấu. Các loại cây nói trên được luân phiên trồng quanh năm.

Chỉ tay xuống bờ ruộng ngay dưới chân mình, ông Dương Văn Hoàng - một người nông dân xã  Cát Tài  cũng  cho biết, Sau khi chuyển đổi lúa sang cây hoa màu,  Dưa hấu, đậu tương trên đồng sai trĩu trịt.  Phía xa xa là những ruộng ớt chín đỏ đầy đồng, người nông dân ăn không xuể phải đem bán.

Không chỉ giúp người nông dân Bình Định thoát nghèo mà những cánh đồng này còn giúp họ phấn chấn hơn vì đón những vụ mùa bội thu,  từ đó họ có động lực vươn lên làm giàu ngay chính trên mảnh đất nghèo.

Thu nhập ổn định

“Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên vụ mùa nào chúng tôi cũng chắc thắng”, ông Hoàng nói và cho biết, 2 vụ trước vợ chồng ông  trồng 1,3 ha hoa màu, sau khi thu hoạch và cân bán, trừ tiền phân, tiền giống còn lãi tới gần 50 triệu đồng. Vụ này năng suất cũng tương đương như vậy nên thu nhập cũng khá.

“Sang vụ  Hè – Thu tới đây, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng ngô  sinh khối và đậu tương hơn nữa" – ông Hoàng hào hứng.

Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, đánh giá, Cát Tài là một trong những địa phương thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng sớm và mạnh nhất Bình Định.

“Bán ngô sinh khối cho trang trại bò sữa, nông dân được lợi đủ bề. Mỗi sào ngô (500m2) nông dân thu từ 2,7 - 2,8 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất còn lãi ròng từ 700.000đ -  900.000đ, thời gian canh tác lại rút ngắn được 1 tháng so trồng ngô lấy hạt. Bình Định đang phát triển mạnh đàn bò chất lượng cao, nhu cầu thức ăn ngày càng tăng, nông dân lại có thêm cơ hội mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối”, ông Hùng khẳng định.

{keywords}
Nhiều hộ chuyển đổi sang trồng ngô cho thu nhập cao

Ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cát cho hay, Từ năm 2012, Cát Tài đã chuyển được 135ha đất trồng lúa bấp bênh sang sản xuất cây trồng cạn với các quy hoạch cụ thể như: Đậu phộng vụ đông xuân kéo dài sang vụ hè; bắp lai vụ thu; lúa vụ mùa hoặc đậu phộng; ớt vụ đông xuân và vụ hè. Trên cùng một diện tích có đến 4 - 5 lượt cây trồng/năm.

Nhờ đó, đã có trên 200ha đạt mức thu nhập từ 150 triệu đồng trở lên/ha/năm. Có khoảng 55% số hộ trong tổng số hơn 2.200 hộ toàn xã thực hiện chuyển đổi.

Thành công của nông dân Cát Tài sau này được nông dân các địa phương khác làm kinh nghiệm để thực hiện trên đồng đất của mình. Nhờ đó, thu nhập của họ cũng ổn định hơn.

Hiện nhiều nông dân xã này đang là bạn hàng thân thiết của các trang trại bò sữa Bình Định về cung ứng ngô sinh khối, với diện tích hàng trăm héc ta.

Nguyễn Liên
Ảnh: Huy Linh