Năm 2021, tại Ninh Thuận, bệnh lở mồm long móng và các dịch bệnh khác trên gia súc chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh.

Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, ngày 30/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ban hành Kế hoạch số 43/KH-SNNPTNT Tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 1/2021.

Với mục đích tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm có khả năng đề kháng với các bệnh bệnh truyền nhiễm thường xảy ra, ổn định và phát triển sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. 

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Tất cả đàn gia súc, gia cầm trong diện tiêm phải được tiêm phòng; tỷ lệ phải đạt 80% tổng đàn đối với các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc.

Ngày 14/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 1/2021 trên địa bàn toàn tỉnh. Tại Hội nghị, ngành chăn nuôi thống kê số lượng gia súc cần tiêm phòng bắt buộc như sau:

Đàn trâu, bò: 99.100 con bằng vắc-xin Tụ huyết trùng, vắc xin Lở mồm long móng, lở mồm long móng nhị giá típ O và A  (Aftovax Bivalent).

Đàn heo: Tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng, Dịch tả lợn châu Phi, Tụ huyết trùng: 74.400 con/mỗi loại vắc xin (đạt tỷ lệ 80% tổng đàn); Khuyến khích các hộ chăn nuôi, trang trại tự chủ động mua vắc-xin Tai xanh (các loại vắc xin Tai xanh heo được phép lưu hành tại Việt Nam đều đảm bảo hiệu lực trong phòng, chống dịch) và vắc xin Phó thương hàn để phòng bệnh cho đàn heo nuôi.

Nguồn vắc-xin lở mồm long móng được ngân sách Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ để tiêm phòng cho đàn trâu, bò tại các địa phương.

Đến nay, các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch và đang triển khai tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 1/2021 tại các địa phương.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y yêu cầu các Phòng, Trạm trực thuộc Chi cục phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tăng cường giám sát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc: Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu Phi, Tai xanh heo, Viêm da nổi cục ở trâu bò,… và các bệnh truyền nhiễm thông thường khác, phát hiện sớm các ổ dịch, chủ động xử lý kịp thời khi còn trong diện hẹp, không để lây lan ra diện rộng theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tại các văn bản chỉ đạo;

Ngành chuyên môn tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính, áp dụng nghiêm các kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học; chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi; vệ sinh sát trùng định kỳ (ít nhất 1 lần/tuần); cơ cấu đàn gia súc phù hợp điều kiện cung cấp thức ăn cho vật nuôi, hạn chế tối đa gia súc chết do suy dinh dưỡng trong mùa khô 2021.

Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi, lò mổ, điểm giết mổ, các chợ buôn bán gia súc, gia cầm và các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ  động vật, sản phẩm động vật, nhất là nguồn gia súc, gia cầm từ các tỉnh về Ninh Thuận để giết mổ hoặc chăn nuôi. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm trong công tác phòng chống dịch, các qui định về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật tại địa phương.

Minh Phúc