Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ do anh Trần Văn Đương (SN 1989 - Quang Thiện, Kim Sơn, Ninh Bình) làm chủ lúc nào cũng có khoảng 30 lao động làm việc.

Mặt hàng anh sản xuất là thảm, giỏ, túi, hộp đựng đồ từ bèo tây. Mẫu mã đa dạng, sản phẩm bền đẹp, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

{keywords}
Giám đốc trẻ Trần Văn Đương

Sản phẩm bên anh sản xuất gồm: Thảm, giỏ đựng đồ, kệ đựng báo, khay giấy, bình hoa, ghế salon… Ước tính 1 năm, doanh thu của anh là 20 tỷ đồng.

Để có thành công này, anh đã trải qua quá trình khởi nghiệp đầy gian nan. Học xong cấp 3, gia đình nghèo nên anh theo bố đi làm thuê tại các cơ sở thủ công mỹ nghệ trong vùng.

Tuy vậy, thu nhập cũng chỉ đủ ăn, thêm việc trồng cấy. Cuộc sống của anh vẫn còn vất vả. Chăn nuôi lợn, gà, cấy hái hoa màu, thu được đồng nào tiêu hết đồng đó. Nhiều khi gia đình anh còn phải vay mượn xung quanh.

Một thời gian chăm chỉ làm thuê, anh bàn với bố, vay vốn mở công ty sản xuất hàng gia dụng từ bèo tây.

{keywords}
Túi thời trang đi biển từ bèo sản xuất tạo cơ sở của anh Đương

Anh cho hay, bèo tây (tên gọi khác là lục bình hay lộc bình) là thực vật thủy sinh, thân mộc, sống trôi nổi trên mặt sông. Mỗi cây bèo tây trưởng thành thường dài 60-90 cm.

Sau khi thu hoạch, người thợ sẽ cắt bỏ phần gốc và phần lá rồi phơi nắng cho thật khô để làm nguyên liệu đan các mặt hàng xuất khẩu.

Hai bố con tìm nguồn nguyên liệu, tự tay làm những sản phẩm đầu tiên của công ty.

Anh mang hàng đi khắp nơi giới thiệu, bắt mối nhập hàng. Thế nhưng, mối quan hệ ít, chưa bao giờ kinh doanh nên mọi thứ dậm chân tại chỗ. Tiền vay có nguy cơ không trả được.

{keywords}
Chiếc hộp đựng đồ từ bèo tây

Cuối cùng, anh chấp nhận đưa hàng cho người ta bán, bán hết mới lấy tiền. Để lấy uy tín, anh thường giao hàng sớm trước hạn, chấp nhận lãi ít…

Đối mặt với muôn vàn khó khăn, sau 5 năm, anh cũng tạo được chỗ đứng cho mình trong ngành sản xuất mỹ nghệ.

Mặc dù cơ sở sản xuất nhỏ, xưởng nằm trong khuôn viên gia đình nhưng đơn hàng của anh xuất đi ổn định.

Các mặt hàng anh sản xuất có mặt tại Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… Giá thành của mỗi sản phẩm dao động từ 40 nghìn đồng - 50 nghìn đồng.

Từ cơ sở nhỏ vài người, đến nay anh đã giải quyết việc làm cho 30 lao động với thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Giai đoạn cao điểm, đơn hàng nhiều, nhân công của anh tăng lên 60 người.

Anh chia sẻ, để dệt thành những sản phẩm mỹ nghệ đẹp, các nguyên liệu đều được phơi khô. Sản phẩm sau khi hoàn thành được đưa và phòng sấy rồi phơi nắng thật khô để chống mốc.

Mỗi người thợ không chỉ có đôi bàn tay khéo léo mà còn cần sự tỷ mỉ, chỉn chu cho từng sản phẩm.

Các sản phẩm này được ưa chuộng bên nước ngoài vì tính tiện dụng, bền đẹp và thân thiện với môi trường.

Giám đốc 8X cho biết thêm, kỹ thuật đan lục bình đơn giản hơn dệt chiếu. Tùy sản phẩm mà sử dụng kiểu đan khác nhau. Ví dụ kiểu xương cá thường được sử dụng đan thảm, còn đan kệ để báo, tạp chí thì sử dụng kiểu hạt gạo. Mỗi tháng, cơ sở của anh Đương tiêu thụ 3 - 4 tấn bèo nguyên liệu.

Anh tâm sự: “Từ ngày mở công ty, sản xuất thủ công mỹ nghệ, đời sống gia đình tôi khá dần lên, có điều kiện mua các thiết bị điện tử như ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa, xe máy…”

Giám đốc 8X cũng thông tin, doanh thu 20 tỷ đồng/năm, sau khi trừ đi các khoản trả nợ, nguyên liệu, nhân công, điện nước, thuế… thu nhập anh cũng thuộc diện khá ở địa phương.

Trong tương lai, anh hi vọng có điều kiện mở rộng nhà xưởng, mua sắm thêm trang thiết bị sản xuất, đồng thời mở cơ sở dạy nghề cho con em đến tuổi lao động trong xã.

Ông Bùi Đức Phi - CT UBND xã Quang Thiện trao đổi với VietNamNet: “Anh Đương là tấm gương vươn lên thoát nghèo tại địa phương. Cơ sở của anh tuy không lớn nhưng giải quyết giúp địa phương 1 lượng lao động nhất định. Mỗi lao động có thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu.  Điều này góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của xã cũng như toàn huyện Kim Sơn”.

Khánh Hòa
Ảnh: Văn Giáp