Mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thăm và làm việc tại Liên minh châu Âu (EU) và Bỉ nhằm thúc đẩy việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EU và khẳng định thiện chí, nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi các cam kết quốc tế về lao động.

Chia sẻ với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, EU và Bỉ đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là những nỗ lực trong việc phê chuẩn gia nhập Công ước 98 của ILO và sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động. Hiện công tác chuẩn bị cho việc đệ trình ra Quốc hội hai Công ước số 105 và 87 của ILO, dự kiến vào các năm 2020 và 2023, đang được chuẩn bị rốt ráo.

{keywords}
Việt Nam hết sức coi trọng phát triển bền vững và bao trùm, đặt con người vào trung tâm và là mục tiêu của phát triển, gắn kết phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, với tư cách Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ đã thông báo với các lãnh đạo EU và Bỉ về việc Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết gia nhập Công ước 98 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO);

Theo tinh thần Nghị quyết số 57 của Quốc hội, Bộ luật Lao động sửa đổi trong đó có tích hợp những nội dung của các Công ước ILO và các cam kết quốc tế về lao động của Việt Nam dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong năm 2019.

Ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, song song với hợp tác thương mại và đầu tư, Việt Nam hết sức coi trọng phát triển bền vững và bao trùm, đặt con người vào trung tâm và là mục tiêu của phát triển, gắn kết phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội.

Cụ thể, Việt Nam đang từng bước nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế để phù hợp với cam kết về lao động, nhiều quy định sẽ thay đổi để phù hợp hơn.

Luật Lao động: Điều chỉnh để phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế

Tại tọa đàm về Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và các cam kết quốc tế về lao động của Việt Nam do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, nội dung cam kết về lao động trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các bên trong quan hệ thương mại. Do đó, các bên tham gia đều phải tuân thủ cam kết này. Việt Nam đang từng bước nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế để phù hợp với cam kết về lao động, nhiều quy định sẽ thay đổi. Cách tiếp cận cam kết về lao động sẽ dựa vào luật pháp quốc gia và Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ điều chỉnh một số quy định để phù hợp hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Hiện nay những nội dung quy định về lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, các tiêu chuẩn lao động kỹ thuật có thể chấp nhận được về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương tối thiểu, an toàn vệ sinh lao động thì Bộ Luật Lao động đã cơ bản phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế có liên quan.

{keywords}
Việt Nam đang từng bước nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế để phù hợp với cam kết về lao động, nhiều quy định sẽ thay đổi. Ảnh minh họa.


Lần sửa đổi bổ sung lần này điều chỉnh là để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn của Việt Nam. Có hai lĩnh vực về nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử và quyền tự do liên kết, thương lượng tập thể sẽ được quy định để phù hợp với cam kết về lao động của Việt Nam trong các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới.

Liên quan tới các nội dung cam kết về lao động của EVFTA, ông Nguyễn Văn Bình cho hay: “Các tiêu chuẩn riêng không được đưa ra mà chỉ khẳng định lại việc tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả 4 tiêu chuẩn lao động cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của ILO bao gồm: quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử trong lao động”.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ thực hiện có hiệu quả trong luật và thực tiễn các Công ước đã phê chuẩn của ILO; không vi phạm tiêu chuẩn lao động cơ bản để làm lợi thế cạnh tranh và không sử dụng tiêu chuẩn lao động cơ bản vì mục đích bảo hộ thương mại.

Theo bà Andrea Prince - cố vấn trưởng của Dự án Khuôn khổ lao động mới của ILO, các quốc gia cần dần thay đổi nhận thức về việc áp dụng các tiêu chuẩn lao động quốc tế, bởi lẽ việc phê chuẩn các Công ước sẽ thiết lập thỏa thuận quốc tế về các quyền lao động cơ bản; đặt ra nền tảng tối thiểu cho cạnh tranh công bằng ở cấp quốc gia và quốc tế; tạo một khuôn khổ quốc tế nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế toàn cầu mang lại lợi ích cho tất cả mọi người; bảo đảm sức khỏe, phúc lợi và tiếng nói của người lao động, tạo điều kiện để người lao động đòi hỏi các nhu cầu chính đáng khác.

Thu Thủy