Trong môi trường làm việc một mình đối diện với chính mình, không ít người nảy ra suy nghĩ làm bất cẩn, qua loa cốt sao cho tiện, cho nhanh, cho có lời... bất chấp hậu quả, thậm chí gây nguy hiểm cho người khác.

Người quen của tôi, một giảng viên đại học, mới đây kể rằng sáng sớm dậy tập thể dục, từ hành lang lầu hai nhìn xuống thì thấy bà chủ bán Phở - Hủ tiếu bên kia đường bưng cái thau nước chuyên để rửa đồ châm vào nồi nước dùng đang đun. Không tin vào mắt mình, bạn dừng lại chăm chú thì phát hiện ra không phải châm một lần mà vài lần.

Nhiều người nói, đi ăn ở ngoài nhắm mắt mà ăn chứ “mục sở thị” cảnh chế biến, vệ sinh thực phẩm thì khó nuốt trôi, chắc là vì vậy! Bản thân tôi thỉnh thoảng đưa khách đi ăn ở nhà hàng thậm chí nổi tiếng, kiểm tra các loại rau nấm như cải xanh, tần ô... thì thấy bùn nhơ còn dính ở gốc, lá... xác suất số lần gặp khoảng trên dưới 40%.

Không chỉ chuyện ăn mới “khuất mắt trông coi”. Chẳng hạn, mạng xã hội, báo chí một số lần lan truyền clip cảnh các nhân viên hàng không thô bạo quăng hành lý của khách vào băng chuyền. Rồi chuyện “na ná” ở các cơ sở chuyển phát bưu phẩm, hàng hóa. Một tổng công ty từng kỷ luật đóng cửa một chi nhánh chuyển phát khi hình ảnh nhân viên tại đây ném bưu phẩm của khách hàng lên xe được chia sẻ trên MXH. Bưu điện một tỉnh vừa qua đã đình chỉ công tác và hạ bậc lương của nhân viên có những hành động tương tự.

Người nấu ăn, phụ bếp trong nhà hàng, nhân viên xử lý hành lý ở bưu điện, sân bay... thường làm việc với đồ vật vô tri vô giác, ngoài tầm tai mắt của mọi người. Trong môi trường làm việc một mình đối diện với chính mình, không ít người nảy ra suy nghĩ “không phải đồ của tôi” rồi làm bất cẩn, qua loa cốt sao cho tiện, cho nhanh, cho có lời... bất chấp hậu quả, thậm chí gây nguy hiểm cho người khác. Ngay cả đối với những em bé ngây thơ, yếu thế như trẻ mầm non, gặp trường hợp bất như ý, thay vì lấy tình thương và lòng kiên nhẫn ra đối xử thì các bảo mẫu "tay ngang" cũng sẵn sàng "giành phần thắng" với các em bằng bạo lực!

Trong đời sống xã hội hiện đại, ngoại trừ một số công việc đặc thù có sự giám sát kiểm tra chéo thì khối lượng công việc thường nhật cực “khủng”, không có lực lượng nào giám sát cho thỏa, gắn camera chạy 24/24 thì vẫn còn những "góc chết". Cho nên nếu cá nhân người lao động đánh mất bản tính trách nhiệm, ý thức tự giác và tình yêu công việc thì mọi quy trình quản lý đều vô hiệu, sinh hoạt xã hội sẽ bị đảo lộn, rối loạn...   

{keywords}
Vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm của nhiều người. Ảnh minh họa: Tuấn Kiệt

Nguyên nhân có nhiều, như tự thân người làm có cái nhìn nông cạn không vượt thoát khỏi cái tôi ích kỷ, bất mãn với chính sách lương thưởng của công ty... Có những công ty, tổ chức không có chính sách nhân sự hợp lý hoặc vì tiết kiệm chi phí tuyển dụng và đào tạo, gặp khi công việc gia tăng thiếu nhân sự thì “quơ đại” những người chưa qua đào tạo huấn luyện.  

Ngoài ra không thể không đề cập nguyên nhân xã hội như “xung quanh ít thấy người làm gương”, cuộc sống chịu nhiều áp lực, những suy nghĩ lăn tăn tích tụ trong đầu, như tại sao họ giàu nhanh vậy còn mình nghèo mãi... Tất cả sự bất như ý ngày qua tháng lại vận vào trong con người, hun đúc thành lòng so bì, ghen tị nhỏ nhen.

Mặt khác không ít người nổi tiếng, hoặc có địa vị đi cứu trợ làm từ thiện, dọn vệ sinh môi trường thì quay phim chụp hình rình rang, canh từng góc máy... Xét cho cùng nhu cầu được người khác biết mình làm việc tốt là chính đáng, nhưng đến mức thành khoe khoang làm màu, trưởng giả học làm sang thì chỉ khiến người ta chán ghét, mất niềm tin vào giá trị chân thật.

Khi xảy ra sự cố thì xử lý kỷ luật cũng là việc dễ, làm sao để ngăn ngừa cái gốc, hạn chế tối đa cách hành xử thô lỗ, vô trách nhiệm trong công cán mới là điều cần bàn.

Giải pháp ngắn hạn thì tự mỗi công ty phải xây dựng một quy trình văn hóa làm việc khoa học bài bản ngay từ đầu. Phải cải thiện chế độ chính sách lương thưởng, điều kiện làm việc, đề ra quy định giám sát, chế tài một cách chi tiết chặt chẽ...  Làm sao để bản thân người lao động cảm nhận công việc đang làm mang đến quyền lợi thỏa đáng và sự hài lòng hợp lý thì họ khắc biết cách bảo vệ “nồi cơm”, quý trọng chỗ đứng của mình. Song song với đó là xây dựng cơ chế công bằng kích thích lao động đam mê sáng tạo, dành phần thưởng xứng đáng cho nhân viên mẫu mực, người có sáng kiến cải thiện quy trình công việc...

Còn về căn cơ, tâm tính văn minh, sự trân trọng cuộc sống, công việc... phải được hun đúc tổng hòa từ ba giềng mối chính là gia đình - giáo dục - xã hội, và phải áp dụng lặp đi lặp lại ngay từ nhỏ cho thành tập tính. Nhưng ba giềng mối đó trong xã hội ta lung lay đã lâu, loay hoay nhiều năm chúng ta vẫn bế tắc việc tìm ra lời giải.

Ý thức công dân hình thành từ nhiều yếu tố trong đó giáo dục, văn hóa lối sống, môi trường xã hội liêm chính minh bạch... đóng vai trò quan trọng, những thứ mà người lao động không có quyền tự quyết. Ăn cơm hộp uống trà đá, con bệnh phải vay tiền đi bệnh viện mà biểu họ "yêu" cái vali khách hàng e là phi thực tế!

Một sinh viên người Đức du lịch bụi tới TP. HCM đến xin chơi bóng đá với chúng tôi ở sân cỏ nhân tạo. Anh quay ra sau dụi điếu thuốc đang hút dở cho tàn vào túi quần rồi mới bắt chuyện. Lát sau anh hỏi tôi nơi đặt thùng rác rồi chạy tới dốc túi ra những vé xe buýt, vỏ bánh, tàn thuốc… cho vào.

Gặp hoàn cảnh tương tự chắc nhiều người Việt sẽ búng cái tàn văng ra khỏi tay cho rảnh nợ, trong khi anh ta có thể giải quyết theo cách có lợi cho mình thì nhét hết rác vào túi quần chờ khi có thùng rác...  Tôi tự hỏi anh ấy lớn lên và thụ hưởng trong cái nôi văn hóa giáo dục nào!?

Công việc nổi bật vui vẻ thì ai cũng muốn làm, nhưng người làm công việc âm thầm khó nhọc mới đáng nói. Đọc sách báo của Nhật tôi nhận thấy họ coi trọng những con người lao động thầm lặng, gọi đó là những con người làm việc vì mọi người, đem lại hạnh phúc và lợi ích cho cộng đồng và xã hội.

Về mặt lý thuyết chúng ta cũng đề cao người lao động thầm lặng, nhưng có vẻ cũng chỉ dừng lại ở mặt lý thuyết!

Trúc Nguyễn

Người Nhật nổi tiếng vì nhặt rác, người Việt tai tiếng vì vứt rác?

Người Nhật nổi tiếng vì nhặt rác, người Việt tai tiếng vì vứt rác?

Trong khi có những người nổi tiếng vì nhặt rác ở World Cup, thì ở Việt Nam lại có những người tai tiếng vì… vứt rác.  

“Ý thức nơi công cộng của người Việt còn kém”

“Ý thức nơi công cộng của người Việt còn kém”

Tôi cho rằng ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của người Việt Nam chúng ta hiện nay vẫn còn kém.

‘Tốt khoe xấu che’: Người Việt chuộng ‘ăn xổi’?

‘Tốt khoe xấu che’: Người Việt chuộng ‘ăn xổi’?

Nếu ngẫm kỹ sẽ không khó nhận ra nhiều nhược điểm của lối tư duy “tốt khoe xấu che”.     

Giám đốc Nhật cúi đầu: Người Việt ngưỡng mộ nhưng ngại thực hành

Giám đốc Nhật cúi đầu: Người Việt ngưỡng mộ nhưng ngại thực hành

Nhiều người Việt bày tỏ sự khâm phục trước hình ảnh ông giám đốc người Nhật cúi mình trong mưa hàng giờ để cám ơn khách hàng. Nhưng ai sẽ làm như ông ấy?