Phong trào “An Giang chung sức xây dựng NTM

Sau 4 năm thực hiện Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 18/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về xây dựng NTM (giai đoạn 2016-2020), An Giang đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Tại Hội nghị tổng kết toàn quốc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, An Giang được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên, Thoại Sơn) được tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hệ thống giao thông nông thôn được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Các công trình cơ sở hạ tầng, hệ thống trường lớp, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa được xây dựng mới, khang trang, đặc biệt phải kể đến đó là thu nhập và đời sống nhân dân vùng nông thôn từng bước cải thiện…

{keywords}
Nông thôn An Giang được khoác lên mình chiếc áo mới, đời sống người dân từng bước nâng lên, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt.

Nông thôn An Giang được khoác lên mình chiếc áo mới, đời sống người dân từng bước nâng lên, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Có kết quả như hôm nay là nhờ kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nhiệm vụ phát triển KTXH được quan tâm đúng mức; trong sản xuất, các địa phương đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, từ đó việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn các xã NTM chuyển dịch đúng hướng.

Ngoài áp dụng khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, nông dân còn đẩy mạnh liên kết thông qua chương trình phát triển kinh tế hợp tác mà đại diện là các hợp tác xã nông nghiệp, đồng thời phát triển mô hình “Cánh đồng lớn”. Chính yếu tố này đã tạo nên sự phát triển vượt bậc trong khu vực nông nghiệp – nông thôn và nông dân tại An Giang.

Thay vì chạy theo số lượng, năng suất trên mỗi vụ canh tác, nông dân xã Long An (TX. Tân Châu) nói riêng, cả tỉnh nói chung đã biết tổ chức sản xuất theo tín hiệu của thị trường, nghĩa là có thị trường tiêu thụ mới tổ chức sản xuất. Bà con đã thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp đó là: “Bán cái thị trường cần, chứ không bán cái mình có”. Chính cách suy nghĩ này mà giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất được tăng lên. Nếu năm 2016 giá trị sản xuất đạt 144 triệu đồng/ha thì đến năm 2019, giá trị này tăng lên 183 triệu đồng/ha/năm.

An Giang cũng đã ban hành Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” tại Quyết định số 1625/QĐ-UBND ngày 3-7-2019. Đến nay, tỉnh có 37 sản phẩm được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao đến từ 28 chủ thể (12 hộ sản xuất - kinh doanh, 13 DN, 3 HTX). Có 5 sản phẩm đặc trưng của tỉnh (gạo và đường thốt nốt) có tiềm năng đạt OCOP 5 sao đang đề nghị Trung ương đánh giá công nhận.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ, “thành tựu nổi bật của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM những năm qua còn thể hiện qua việc đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết sản xuất hàng hóa, kết hợp với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị (theo quy hoạch); cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp; tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; từ đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao” -

Tính đến tháng 9/2020, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện là: huyện Thoại Sơn, TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc có 100% xã đạt chuẩn NTM, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận hoàn thành NTM; có 61/119 xã được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công nhận đạt chuẩn “Xã NTM”, đạt tỷ lệ 51,26% (đạt trước 1 năm so với lộ trình, kế hoạch đề ra). Huyện Thoại Sơn là đơn vị đi đầu của tỉnh trong phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016-2020.

Tiếp tục phát huy vai trò “chủ thể” của nông dân

{keywords}
NTM An Giang: Có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, xây dựng NTM là quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Chương trình MTQG xây dựng NTM là chương trình có nhiệm vụ bao trùm hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh tại khu vực nông thôn.

Với phương châm “Mô hình cụ thể, đối tượng cụ thể, địa bàn cụ thể, nội dung tuyên truyền cụ thể”, các cấp hội đã thu được những kết quả tích cực trong việc huy động “sức dân” vào công tác xây dựng NTM. Nổi bật là việc trực tiếp vận động và phối hợp vận động trên 1.000 lượt hội viên nông dân hiến trên 800.000m2 đất, đóng góp 300.000 ngày công lao động và hàng trăm tỷ đồng để làm mới, nâng cấp, sửa chữa hàng nghìn km đường giao thông nông thôn”.

“Để triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) trong công tác xây dựng NTM, Hội Nông dân các cấp luôn nhận thức rằng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, các tiêu chí xây dựng NTM không ngừng được điều chỉnh, bổ sung theo hướng nâng cao về chất và đảm bảo tính bền vững. Do đó, An Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức về chủ trương, quan điểm của Đảng, nội dung, ý nghĩa của công tác xây dựng NTM. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò “chủ thể” của nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM” - ông Nguyễn Văn Nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên cho biết.

Bình Thủy