Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thực sự là một “cuộc cách mạng về nông nghiệp, nông thôn”. Dòng chảy văn minh, hiện đại đã lan toả đến từng đường làng, ngõ xóm, len lỏi đến từng gia đình nông thôn ở cả vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công cuộc xây dựng NTM thực sự đã đem lại một diện mạo mới, sức sống mới, kéo gần khoảng cách đời sống giữa cư dân nông thôn với khu vực đô thị. Nhìn vào những thay đổi của nông thôn Việt Nam trong 10 năm qua, chúng ta có quyền tin tưởng vào sự thành công của mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

Tuy nhiên, xây dựng và phát triển nông thôn theo hướng hiện đại không đồng nghĩa với việc phủ nhận các giá trị truyền thống. Nguy cơ đó đến từ chính những tiêu chí “cứng hoá” nhà ở dân cư tại xã NTM.

{keywords}
NTM đồng hành với việc giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống.

Kiến trúc nhà ở không chỉ là công trình xây dựng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người, mà nó còn là công trình nghệ thuật, hàm chứa trong nó những giá trị văn hoá lâu đời, gắn với đặc thù của từng vùng miền, từng cộng đồng dân tộc. Đôi khi, chỉ cần nhìn vào lối kiến trúc của một căn nhà, có thể biết được chủ nhà là người dân tộc nào. Nhà cửa, theo đó như một “tấm giấy thông hành” chỉ dấu văn hoá của mỗi dân tộc.

Các ngôi nhà còn chứa đựng trong nó cả triết lý sống, “gu” thẩm mĩ của từng dân tộc, thậm chí của từng gia đình. Đơn cử, một số dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc như dân tộc H’mong, dân tộc Hà Nhì, người Dao tiền, người Tày… chủ yếu sống trên các triền núi cao, khí hậu khắc nghiệt, vì thế, họ đã chọn cách xây những ngôi nhà trình tường bằng đất, lợp ngói hay tranh. Những ngôi nhà đó có ưu điểm là mát mẻ vào mùa hè, ấm áp về mùa đông, phòng tránh được thú dữ. Hoặc những ngôi nhà sàn độc đáo được dựng lên từ các nguyên liệu tự nhiên, vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng, vừa là chốn trú ngụ an toàn, hợp lý, chứa đựng trong đó cả những thông điệp văn hoá đặc thù của nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Sự đa dạng, phong phú cùng với những giá trị văn hoá truyền thống của những ngôi nhà trình tường, nhà sàn, nhà nữa đất nửa sàn đã thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, giúp họ khám phá thêm những điều khác lạ kì thú. Chính vì vậy, giữ gìn những kiến trúc nhà ở truyền thống của cư dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân. Cùng với đó là việc bảo tồn để không làm mai một những di sản quý giá của tổ tiên để lại.

Do vậy, TS Nguyễn Thị Hường, Học viện Hành chính Quốc gia khuyến cáo, về tiêu chí nhà ở, bên cạnh những quy định chung, nên có những quy định đặc thù, không chỉ trong xây dựng hay đánh giá tiêu chí về nhà ở dân cư tại nông thôn. 

Ngọc Trang