Lồng ghép vào các chương trình

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, năm 2020, tỉnh có kế hoạch đào tạo nghề cho 2.600 lao động nông thôn có trình độ sơ cấp. Sau thời gian đào tạo 3 tháng, phấn đấu có ít nhất 82% số người học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng nâng cao được hiệu quả và năng suất lao động, tăng thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống.

Đối tượng được tỉnh tập trung ưu tiên đào tạo nghề là phụ nữ; lao động nông thôn, đặc biệt là người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng các chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động nữ bị mất việc làm, người thuộc diện hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp…

{keywords}
Nông dân ở huyện Ninh Hải tham gia học nghề nông thôn.

Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục phát huy hiệu quả, ngoài việc lồng ghép các chương trình, đề án, dự án của Trung ương, tỉnh sẽ huy động nguồn lực tập trung phát triển các ngành, nghề đào tạo, bổ sung danh mục đào tạo nghề gắn với quy hoạch, chiến lược phát triển của địa phương. Từ đó, giúp người lao động sau khi được đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định.

Chuyển hóa từ đào tạo theo năng lực sang đào tạo theo nhu cầu

Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ được chuyển hóa mạnh mẽ từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động, phù hợp với điều kiện kinh tế và trình độ học vấn của người lao động cũng như yêu cầu của thị trường lao động hiện nay.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận Trần Văn Trưa cho biết, với trách nhiệm là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Sở lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, cũng như đầu tư thực hiện các mô hình sản xuất, kinh doanh sau học nghề.

Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tùy điều kiện thực tiễn để tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp theo tỷ lệ khoảng 50% cho lao động ở các doanh nghiệp; 20% cho các hợp tác xã, trang trại lao động thực hiện các dự án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và 30% làm công tác an sinh xã hội.

Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thực hiện theo các mô hình đã thí điểm có hiệu quả; đào tạo tại doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh; gắn đào tạo với liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn sản xuất… để người lao động có việc làm ổn định, phù hợp với từng nhóm ngành, nghề được đào tạo theo hợp đồng làm việc cũng như mức thu nhập của người lao động sau khi đào tạo nghề.

Hiện nay, chính quyền các địa phương ở Ninh Thuận đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền; khẩn trương khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động để phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức mở lớp đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế về tuyển dụng, sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ…

Ninh Thuận hiện có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó có 12 cơ sở công lập và 7 cơ sở dạy nghề ngoài công lập tham gia đào tạo 13 nghề ở trình độ cao đẳng, 20 nghề trình độ trung cấp và 49 nghề trình độ sơ cấp dạy nghề dưới 3 tháng với quy mô đào tạo nguồn nhân lực trên 8.500 người/năm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có trên 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; đồng thời có hơn 50 hợp tác xã đang hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp rất hiệu quả và nhu cầu lao động rất lớn.

Từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; đồng thời để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xác định cụ thể ngành, nghề đào tạo phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp nông thôn; xây dựng kế hoạch và chỉ tiêu đào tạo nghề do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện theo các lĩnh vực nông – lâm - ngư nghiệp.

Thu Hằng
Ảnh: Diệu Bình