Trong không khí cả nước hân hoan, phấn khởi và đang tích cực chuẩn bị tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, có thể nói Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020 tổ chức vừa qua mang ý nghĩa rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân rất quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Từ sau khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (ngày 1/2/2013) đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận.

{keywords}
Cuộc chiến phòng, chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo củng cố mạnh mẽ lòng tin yêu của người dân. Ảnh minh họa

Trong giai đoạn 2013 - 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

Từ năm 2013 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700 nghìn tỷ đồng, hơn 20 nghìn ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14 nghìn tập thể, nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...).

V.v...

Những luận điệu lạc lõng, đi ngược lòng dân, đi ngược lợi ích dân tộc

Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định: Kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian qua càng chứng tỏ chúng ta đã thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo, quan điểm: "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào".

Ấy vậy mà, lại có những luận điệu cố ý xuyên tạc, đánh đồng trắng trợn công tác kỷ luật Đảng, việc xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực với việc thanh trừng, đấu đá nội bộ, phe cánh chính trị.

Mặc cho một thực tế mà không ai có thể phủ nhận là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của ta đạt được rất nhiều kết quả rất quan trọng, những đối tượng chống phá không ngừng gieo rắc những lập luận “dựng đứng” rằng “Đảng Cộng sản không thể chống tham nhũng thành công” vì chế độ độc đảng cầm quyền sẽ thủ tiêu đấu tranh... Từ đó chúng tung ra những “chiêu bài” muôn thuở là muốn chống tham nhũng thành công thì phải mở rộng dân chủ, bằng cách thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập...

Trong bối cảnh cả nước hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, những luận điệu xuyên tạc, chống phá kiểu này càng trở nên điên cuồng, nham hiểm.

Rõ ràng đây chỉ là những tiếng nói lạc lõng, đi ngược lòng dân, làm sai lệch bản chất sự việc, quy chụp nguyên nhân và phủ nhận sạch trơn vai trò của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ.

Đằng sau đó là ý đồ sâu xa là cố tình bôi đen, gây nhiễu loạn nhận thức, tư tưởng, chỉ thấy tiêu cực, mặt xấu, sự yếu kém, hư hỏng, thoái hóa, biến chất, từ đó thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong nội bộ cán bộ, đảng viên. Từ đó chúng nhằm đến làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào thể chế chính trị, vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; âm mưu hạ ấp uy tín của Đảng, phá hoại đoàn kết trong Đảng, gây mất ổn định chính trị.

Nhưng kết quả thực tế chính là lời minh chứng hùng hồn nhất, đập tan mạnh mẽ những luận điệu xuyên tạc.

Thời gian qua, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có việc xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, có hành vi sai phạm, đặc biệt là cán bộ cấp cao, đã góp phần nâng cao uy tín của Đảng, Nhà nước, củng cố niềm tin trong nhân dân. Người dân luôn dõi theo cũng như hết lòng, hết sức ủng hộ công cuộc chống tham nhũng của Đảng, bởi ai cũng hiểu đó là cuộc chiến vì sự tồn vong của dân tộc, vì sự phát triển, đi lên của đất nước.

Mặt khác nhìn lại lịch sử chúng ta sẽ thấy suốt 90 năm rèn luyện phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, Đảng ta đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ, coi đó chính là khâu "then chốt của nhiệm vụ then chốt". Công tác xây dựng Đảng được thực hiện thường xuyên, liên tục, trên cả hai mặt "xây" và "chống", trong đó "xây" là cơ bản, lâu dài, "chống" là quan trọng, cấp bách.

Hai nhiệm vụ này luôn song hành, kết hợp nhuần nhuyễn nhằm làm trong sạch đội ngũ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.

Sau 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, những thành tựu mà toàn Đảng, toàn dân và quân ta đạt được là hết sức to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đúc kết: "Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay”. Đó chính là nền tảng vững chắc, củng cố và tăng cường niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng.

Cũng trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười”.

Thực vậy, chỉ những kẻ trơ trẽn, cố tình “mù lòa” trước sự thật khách quan, trước chân lý thời đại mới có thể phủ nhận, xuyên tạc những thành quả lớn lao ấy!

Quang Minh