Đề tài “Nghiên cứu thức ăn sinh học tạo thành thịt lợn sạch cung cấp cho nhân dân và xuất khẩu” đã giúp kỹ sư Tạ Hùng Đậu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Phúc Yên đứng trong danh sách là 68 cá nhân tiêu biểu toàn quốc được vinh danh tại lễ tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông lần thứ 3, năm 2020”.

{keywords}
Nghiên cứu chế biến thức ăn trong chăn nuôi lợn sinh học của kỹ sư Tạ Hùng Đậu được nhân rộng tại nhiều cơ sở chăn nuôi trong và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc.

Trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm của anh Đậu ở phường Phúc Thắng (Phúc Yên, Vĩnh Phúc).

"Tốt nghiệp Trường đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Hà Nội) anh được phân công về làm việc tại Trạm khuyến nông thành phố Phúc Yên.

Năm 2007, anh tiếp tục được điều chuyển về làm chuyên viên tại Phòng Kinh tế thành phố, phụ trách mảng chăn nuôi, thú y.

Thời gian này, mô hình chăn nuôi sử dụng thức ăn cám công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, những thông tin về việc chăn nuôi bằng cám công nghiệp, lạm dụng chất cấm, chất tạo nạc, chất tăng trưởng trong chăn nuôi… gây ô nhiễm môi trường; trong sản phẩm thịt tồn dư hoóc môn tăng trưởng, kháng sinh, nồng độ kim loại nặng vượt nhiều lần ngưỡng cho phép khiến anh trăn trở.

Loại cám này giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh, nhưng đánh đổi nó là những hệ lụy về thực phẩm mà người tiêu dùng không dễ phát hiện.

Anh bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu với với mong muốn tìm ra một loại thức ăn sinh học để hạn chế những tồn tại trên, nhưng phải đảm bảo bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân…

Sau một thời gian nghiền ngẫm các tài liệu, anh phát hiện ra những chế phẩm sinh học giúp khử mùi hôi chuồng trại nuôi lợn. Đồng thời anh đẩy mạnh nghiên cứu thức ăn cho lợn từ thảo dược.

Gia đoạn đầu, anh đi khắp các nơi tìm thảo dược, về phối trộn với thức ăn từ bã bia, ngô, rau củ quả... Mỗi năm anh mất khoảng 50 triệu vào việc nghiên cứu, không ít lần thất bại vì chất lượng thịt không như ý. Tuy nhiên, quyết tâm tìm loại thức ăn thảo dược giúp lợn tăng trưởng tốt không ngừng thôi thúc anh.

Anh nhận tiêm phòng và chữa bệnh cho gia súc lấy tiền làm nghiên cứu, cuộc sống gia đình đều một tay vợ anh lo liệu. Để thí điểm loại thức ăn do mình chế biến, anh vận động các hộ chăn nuôi quen biết. Ban đầu, các hộ này chỉ dám cho lợn ăn một ít. Lâu dần, thấy đàn lợn phát triển tốt, tăng cân đều, họ tăng lượng thức ăn.

Cuối cùng, năm 2006, anh nghiên cứu thành công loại thức ăn sinh học, đảm bảo tiêu chí hữu cơ, hoàn toàn từ thực vật, không gây ô nhiễm môi trường.

Tháng 3/2007, đề tài “Nghiên cứu thức ăn sinh học tạo thành thịt lợn sạch cung cấp cho nhân dân và xuất khẩu” của kỹ sư Tạ Hùng Đậu được phê duyệt triển khai nghiên cứu khoa học cấp tỉnh.

Sau nghiệm thu, nhận thấy những hiệu quả, từ năm 2007 - 2009, anh tiếp tục mở rộng mô hình ứng dụng thức ăn sinh học tại 3 phường của Phúc Yên, gồm Phúc Thắng, Đồng Xuân, Tiền Châu với quy mô khoảng 1.000 con lợn.

Để triển khai đề tài ra diện rộng, anh Đậu đã đồng ý chuyển giao cho Công ty Cổ phần phát triển công nghệ sinh học Thành Công.

Đơn vị này lại phối hợp với Công ty Thiên Hợp để sản xuất ra thức ăn sinh học phục vụ cho chăn nuôi, mỗi tháng khoảng 5 tấn.

Anh Đậu cho biết: “Thức ăn sinh học có thành phần là các loại ngũ cốc, men tiêu hóa vi sinh và thảo dược trong tự nhiên như Kim ngân, Thổ phục linh, Nghệ đỏ… giúp vật nuôi tăng sức đề kháng, khả năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn.

Lợn được nuôi bằng thức ăn sinh học thảo dược có chất lượng thịt vượt trội so với các loại thịt lợn khác đang bán trên thị trường, được đông đảo người tiêu dùng đón nhận...”.

Từ năm 2007 đến nay, năm nào kỹ sư Đậu cũng gửi mẫu thịt từ lợn sử dụng cám sinh học đi kiểm tra tại Viện Công nghiệp thực phẩm Hà Nội và kết quả cho thấy, 100% chỉ tiêu phân tích thịt lợn đều đạt tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn CODEX (tiêu chuẩn 7046-2002 dựa trên nền tiêu chuẩn quốc tế). Hàm lượng các hóa chất độc hại như chì, kẽm, thủy ngân, asen, cadimi, dư lượng kháng sinh… thấp hơn quy chuẩn cho phép từ 10 - 50 lần.

Bên cạnh đó, qua phân tích tại Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh cho thấy, chất thải từ lợn sử dụng thức ăn sinh học giảm ô nhiễm môi trường 60% so với sử dụng thức ăn thông thường khác.

Năm 2011, giải pháp này của anh Tạ Hùng Đậu đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 919 theo QĐ số 38711/QĐ-SHTT. Bản thân tác giả nhận nhiều bằng khen cấp tỉnh và cả Bằng lao động sáng tạo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng.

Hiện nay, mỗi tuần Công ty Thành Công phối hợp cùng anh Đậu nuôi trang trại lợn ở Móng Cái lên tới hàng ngàn con để cung cấp thịt lợn cho thị trường Hà Nội, Móng Cái, Vĩnh Phúc...

Tại Tiền Châu (Phúc Yên,Vĩnh Phúc), anh Đậu có một trang trại lợn nhỏ với 30 con để nuôi thử nghiệm nâng cấp công nghệ. Hằng năm, anh Đậu vẫn đem thịt lợn của mình đến các cơ sở phân tích để kiểm định, và chưa mẫu thịt lợn của anh có dư lượng vượt ngưỡng cho phép.

Nói về hướng phát triển, anh Đậu cho hay vẫn đang tìm nhà đầu tư để có thể có được nguồn vốn, máy móc để phát triển rộng hơn, tiến tới xuất khẩu.

Bởi lẽ, thức ăn sinh học tuy có cao hơn thức ăn công nghiệp từ 700 đồng tới 1.000 đồng/kg, song ưu thế của nó là giảm ô nhiễm vùng chăn nuôi, tạo ra thực phẩm sạch và tốc độ tăng trưởng của vật nuôi tương đương với thức ăn công nghiệp nên nhu cầu trong dân là rất lớn.

Dựa trên kết quả đạt được trong chăn nuôi, kỹ sư Tạ Hùng Đậu còn ấp ủ mong muốn việc phát triển chăn nuôi bằng thức ăn sinh học sẽ là tiền đề thúc đẩy phát triển vùng trồng cây dược liệu của địa phương, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Anh Đậu cho biết thêm: “Tôi mong muốn sản phẩm thức ăn sinh học ngày càng được biết đến và sử dụng rộng rãi, góp phần tạo nên một nền nông nghiệp sạch, cuộc sống xanh. Để làm được điều đó, tôi sẽ tiếp tục làm việc và cố gắng không ngừng nghỉ…”.

Hoài Thanh