Những năm trở lại đây, ngành nuôi gia súc của Nam Định phát triển nhanh. Số lượng tổng đàn lợn tăng vọt. Tuy nhiên, song song với đó là nỗi lo thường trực về dịch bệnh lở mồm long móng và các dịch bệnh truyền nhiễm khác luôn có nguy cơ bùng phát. 

Đặc biệt, số lợn càng lớn, nếu dịch lây lan diện rộng, rủi ro càng nhiều với các hộ chăn nuôi.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Để giúp người chăn nuôi gia súc hạn chế tối đa dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời tái cấu trúc ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, mới đây Sở NN và PTNT đã triển khai xây dựng “Mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao”, mở ra hướng phát triển chăn nuôi mới cho người dân.

Mô hình này góp phần ổn định tình hình chăn nuôi tại các địa phương, thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học.

Hộ gia đình chị Lương Thị Dung (Giao Thủy) được cơ quan chức năng hướng dẫn, đã đầu tư xây dựng 800m2 chuồng áp dụng công nghệ chuồng nuôi kín, bảo đảm diện tích 2m2/con; nền chuồng được thiết kế thành 2 phần, trong đó ½ nền chuồng phía sau thấp hơn ½ nền chuồng phía trước từ 35-40cm với độ dốc từ 1-2 độ; phía cuối chuồng được đặt ống thoát nước tiểu của lợn nối với hầm biogas để xử lý.

Chuồng trại nuôi lợn được chia ô, có hai lớp, dễ vệ sinh. Nền chuồng được bố trí làm đệm lót sinh học dày 20cm với nguyên liệu chính là trấu rắc thêm chế phẩm MT-Biomix, đường và tiếp tục được bổ sung trong quá trình nuôi; trấu được xử lý trước từ 1-2 tuần bằng phương pháp khử trùng xông focmol và thuốc KMnO4.

Theo hướng dẫn, chị Dung tiến hành rải lớp trấu dày 20cm, sau đó phun nước sạch đều lên mặt đến khi đạt độ ẩm khoảng 30-40%.

Chế phẩm sinh học này hạn chế tối đa mùi hôi từ phân lợn, khử khuẩn khá tốt.

Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn cho đàn lợn chị Dung còn xây dựng hàng rào bao quanh ngăn cách với các khu vực khác.

Hạn chế tối đa người lạ ra, vào khu vực chăn nuôi. Tại cổng và trước chuồng nuôi, kho chứa thức ăn, phòng thay đồ bảo hộ đều có biển hiệu, hố khử trùng.

Các ô chuồng nuôi được sắp xếp, bố trí phù hợp với từng đối tượng lợn nuôi; làm mới toàn bộ hệ thống máng ăn, trang bị hệ thống uống nước sạch tự động phù hợp với từng lứa tuổi lợnt.

Mỗi chuồng đều trang bị lưới hoặc làm cửa kính kín chắn tại các cửa sổ để chống côn trùng xâm nhập; cải tạo lối đi khu vực chăn nuôi, nâng mái chuồng lợn, làm mát chuồng lợn bằng quạt điện công nghiệp, mái tôn lạnh, bạt chống nóng.

Thức ăn cho được bảo quản trong kho đựng riêng, kê cao trên kệ và có biện pháp chống ẩm mốc, chống chuột…

Mỗi lứa chị nuôi 400 con lợn, với trọng lượng 10kg/con; sau 115 ngày nuôi, trọng lượng bình quân mỗi con lợn đạt 92kg, với giá bán 75 nghìn đồng/kg, mỗi đầu lợn mang lại cho chị số lãi gần 1,3 triệu đồng.

Lợn nuôi trên nền đệm lót sinh học luôn khỏe mạnh, đồng đều, ít bị bệnh và tăng trưởng tốt.

Đây là một hình thức nuôi nhốt gia súc trên một nền đệm lót được làm bằng nguyên liệu hữu cơ có độ trơ cao (không bị nước làm nhũn nát như: trấu, mùn cưa, phoi bào, rơm, rạ….) đã được lên men bằng vi sinh vật. (thường sử dụng EM ).

Để phân hủy phân, nước tiểu giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi tạo môi trường trong sạch không ô nhiễm. Phương thức chăn nuôi này hiện đang được khuyến khích phát triển tại Việt Nam.

Gia súc nuôi trên đệm lót sinh thái thường tăng trọng nhanh hơn so với cách nuôi thông thường. Do trong đệm lót chứa các vi sinh vật có lợi luôn hoạt động và sinh nhiệt đã ức chế và tiêu diệt vi khuẩn có hại, từ đó môi trường sinh sống được cải thiện, giảm thiểu một số dịch bệnh, và quan trọng hơn là có thể tiết kiệm được từ 5-10% lượng thức ăn.

Chị Dung cho hay: “Trong đệm lót chứa các vi sinh vật có lợi nên sẽ rất hiệu quả trong phòng, chống các bệnh dịch hại như lở mồm long móng, tai xanh, cúm… Chi phí lót và chế phẩm EM  thấp, với hơn 1 triệu đồng/ chuồng 20m2, có thể nuôi 22-24 con lợn nhỏ hoặc 16-18 con lớn”.

Quá trình nuôi, lợn không bị thối bàn chân, lông, da luôn bóng mượt, sạch; thịt chắc, thơm ngon, giảm tồn dư kháng sinh nên bán được giá và được thị trường ưa chuộng.

Thực hiện theo mô hình này, các đơn vị, hộ nuôi đã thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật được hướng dẫn từ khâu chăm sóc, nuôi dưỡng đến vệ sinh thú y và phòng bệnh; thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh môi trường; thức ăn được bổ sung men vi sinh, tăng khả năng tiêu hóa đồng thời giảm mùi hôi thối.

Vấn đề vệ sinh môi trường được các hộ quan tâm thực hiện tốt, hàng tuần môi trường xung quanh chuồng trại được sát trùng 2-3 lần bằng thuốc có mức kháng khuẩn rộng.

Trước cổng chuồng, mỗi dãy chuồng nuôi đều có hố hoặc khay sát trùng. Đặc biệt, lượng chất thải được xử lý bằng đệm lót sinh học và men vi sinh, tạo môi trường an toàn cho người lao động và đàn lợn nuôi.

Chị Dung cho biết, các chi phí về điện, việc phòng, chống dịch bệnh đều giảm.Nguyên nhân là vì không dùng nước để rửa chuồng và tắm rửa cho lợn, nước chỉ dùng để uống và phun tạo độ ẩm cho nền chuồng nên có thể tiết kiệm được 80% chi phí nước

Làm đệm lót giảm 60% nhân lực trong việc dọn chuồng, tắm rửa cho lợn, chỉ cần người cho vật nuôi ăn và theo dõi bệnh tật. Chi phí đầu vào giảm nên thu nhập của người chăn nuôi tăng.

Không chỉ gia tăng thu nhập mà các mô hình này còn góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng môi trường do mùi hôi thối, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn; không phải thay dọn phân, rửa chuồng trong suốt quá trình nuôi.

Với những kết quả đạt được, thời gian tới Sở NN và PTNT, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi mô hình chăn nuôi mới này, góp phần tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi và phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh một cách an toàn, bền vững trong điều kiện hiện nay.

Minh Phúc