Sáng 10/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2020) với chủ đề “Phát triển bền vững trong thập niên mới: Biến thách thức thành cơ hội”.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cho rằng những năm qua khái niệm phát triển bền vững, phát triển xanh được ngày càng nhiều DN Việt Nam tiếp cận, nhận thức đây là việc phải làm, từng bước lan ra toàn xã hội.

Điều đó được thể hiện phần nào qua sự thay đổi về thứ hạng của Việt Nam kể từ khi Liên Hợp Quốc (LHQ) khảo sát, đánh giá và xếp hạng về chỉ số phát triển bền vững của các quốc gia, các nền kinh tế. Năm 2016, chúng ta đứng thứ 88, tương tự như rất nhiều chỉ số phát triển của Việt Nam trên các bảng xếp hạng của thế giới, tương ứng với trình độ của một nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp. Nhưng với những nỗ lực, cố gắng vượt bậc đến năm 2020, Việt Nam đã đứng thứ 49 về phát triển bền vững trên thế giới.

Làm sao cho tất cả mọi người nhận thức được đây là việc phải làm

Mặc dù có được những kết quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận đánh giá cao, nhưng theo Phó Thủ tướng, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để đạt được các nhóm mục tiêu, chỉ số đề ra trong Chương trình nghị sự về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030, cũng như các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động quốc gia về phát triển bền vững.

Những khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển bền vững không chỉ liên quan đến DN, bảo vệ môi trường, giữ rừng, đất, nước… mà còn cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề xã hội, thường chỉ được chú ý sau tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường.

“Muốn đạt các mục tiêu vào năm 2030 thì không chỉ tinh thần mà cả yêu cầu, đòi hỏi phát triển bền vững phải lan tỏa trong cộng đồng DN, ra toàn xã hội. Thách thức lớn nhất là làm sao cho tất cả mọi người nhận thức được đây là việc phải làm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong khi đó, để lan tỏa tinh thần, đòi hỏi phát triển bền vững, trước hết trong cộng đồng DN, không hề dễ dàng, thuận lợi. Trong hơn 750.000 DN ở Việt Nam mới chỉ có 100.000 DN được phổ biến, tiếp cận về phát triển bền vững, 2.000 DN là thành viên của cộng đồng DN phát triển bền vững.

Từ những kinh nghiệm, bài học trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng “điều mọi người dễ đồng ý với nhau là tất cả mọi người Việt Nam đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình phải chống dịch, trước hết vì bản thân, với những người thân, vì cộng đồng và rộng hơn nữa là cả thế giới”. Phát triển bền vững cũng chỉ có thể thành công nếu tất cả mọi người, từng DN đều nhận thức đã phát triển là phải bền vững. Đây không phải là câu chuyện “phú quý sinh lễ nghĩa” mà là việc phải làm.

Do vậy, ngoài tuyên truyền, vận động, khuyến khích, chúng ta phải xây dựng khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách đi kèm. Những cá nhân, DN đi ngược lại mục tiêu phát triển bền vững phải bị xử lý. Những DN nào phát triển, định hướng phát triển bền vững thì được ưu tiên các nguồn lực, được trợ giúp, tôn vinh trong xã hội.

Tuy nhiên, để mỗi cá nhân, DN, tổ chức… hiểu được trách nhiệm đối với phát triển bền vững thì khó hơn rất nhiều so với khi có dịch bệnh, bởi các vấn đề phát triển bền vững không ảnh hưởng ngay lập tức và đến từng người như dịch bệnh. “Càng khó chúng ta càng phải cố gắng, không có cách nào khác”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh để giải quyết các vấn đề đặt ra trong phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, sức khỏe, giáo dục, trợ giúp người yếu thế,… trước hết phải phát triển kinh tế. Dù đã chúng ta đã rất nỗ lực nhưng môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa có thứ hạng tương ứng với chỉ số phát triển bền vững. Một quốc gia, nền kinh tế có sức cạnh tranh cao trước hết phải có một môi trường kinh doanh thật thuận lợi, đi cùng với khung khổ pháp lý, chính sách cho DN phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng đề nghị VCCI, các bộ ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các DN, trao đổi, lấy ý kiến, ghi nhận, tháo gỡ các vướng mắc và không ngừng đổi mới khung khổ chính sách tạo môi trường kinh doanh được thuận lợi hơn.

Tọa đàm với chủ đề “Xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp bền vững và trách nhiệm trong một xã hội đang thay đổi: Thách thức, Cơ hội và Hướng đi”. Ảnh: VGP/Đình Nam

Cộng đồng, hợp tác, chia sẻ

Nhấn mạnh phát triển bền vững không tách rời xu thế tất yếu của chuyển đổi số, Phó Thủ tướng cho rằng đây là thách thức và cũng là thời cơ. Hiện nay, Chính phủ, cộng đồng DN, người dân có rất nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để đưa ra những quyết định phù hợp, thông minh hơn nhằm sử dụng tối ưu nguồn lực hiện có.

“Chuyển đổi số thực ra cũng là một việc phải làm nếu không chúng ta sẽ đứng ngoài”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh quan trọng nhất trong chuyển đổi số là tính cộng đồng, chia sẻ, từ đó hình thành nền tảng dữ liệu dùng chung. “Trước đây, thông tin dữ liệu là lợi thế của mỗi cá nhân, DN, tổ chức, cơ quan nhà nước nhưng bây giờ tri thức và thông tin càng chia sẻ thì càng có giá trị. Người có quyết định đúng đắn nhất là chia sẻ thông tin, dữ liệu của mình để nhận lại được nhiều hơn. Đây là yếu tố phải rất lưu ý trong thúc đẩy phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng trao đổi.

Bên cạnh đó, việc chia sẻ thông tin, dữ liệu phải tôn trọng quyền riêng tư của từng người dân, từng DN, bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Dùng hình ảnh “dịch cúm Tây Ban Nha ngày xưa đi bằng tàu thuỷ nên rất chậm, ngày nay COVID-19 đi bằng máy bay”, Phó Thủ tướng cho rằng thế giới bé lại nên không có cách nào khác là phải tăng cường hợp tác, trong khi đây là nhóm chỉ tiêu tiến bộ chậm nhất trong chỉ số về phát triển bền vững của Việt Nam. Thực tế điều hành, quản lý của từng DN, từng tổ chức và cả đất nước rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước với nhau; giữa cơ quan nhà nước với DN, với các tổ chức; giữa các nhóm trong từng DN.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Đây là thời điểm DN cùng nhau nhận thức trách nhiệm phải phát triển bền vững để đất nước phát triển bền vững, chung tay vượt qua những lợi ích cục bộ, vượt qua những suy nghĩ khác biệt để cộng đồng DN phát triển bền vững ở Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

“Trong đại dịch COVID-19, qua đợt bão lũ ở miền Trung, chúng ta lại càng thấy rõ nhiều giá trị, mà trước đây chưa có thời gian bình tĩnh đánh giá hết, như tinh thần cộng đồng, sự sẻ chia và giúp đỡ lẫn nhau. Nếu tinh thần đấy được giữ trong mỗi người, trong chiến lược kinh doanh của tất cả các DN thì thực sự thách thức sẽ biến thành cơ hội lớn”, Phó Thủ tướng nói.

Thái An