Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nên diện mạo mới, đặc biệt là hạ tầng, tạo một môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông nghiệp tại các làng nghề nông lâm ngư nghiệp truyền thống ở nước ta.

Ngược lại, du lịch nông nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy cho việc thực hiện phong trào nông thôn mới với tốc độ vừa nhanh vừa bền vững do không những tham gia tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra của sản phẩm mà còn bảo tồn được các giá trị văn hóa gốc của nông thôn hoặc giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù.

{keywords}
Du lịch nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương, doanh nghiệp, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho người dân. 

Theo các chuyên gia, phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi phù hợp với xu thế của thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu về văn hóa đặc sắc của vùng miền. Xuất hiện nhiều mô hình phát triển hiệu quả ở nhiều địa phương, đơn cử như: Bình Thuận hiện có tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp.

Tận dụng lợi thế vốn có, từ cuối năm 2019, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận đã đưa vào hoạt động mô hình tour du lịch cộng đồng “Trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long” cùng người dân tại huyện Hàm Thuận Nam - nơi “thủ phủ thanh long” của Bình Thuận. Dù mới hình thành trong thời gian ngắn nhưng loại hình này bước đầu đã mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho khách du lịch trong nước và quốc tế. Theo đó, việc tham quan vườn thanh long là sản phẩm mới nằm trong chuỗi phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp của ngành du lịch tỉnh Bình Thuận. Thông qua đó, đơn vị cũng mong muốn mở rộng và phát triển nhiều sản phẩm du lịch sâu rộng hơn; đồng thời, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Đắk Lắk cũng xác định tập trung phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh từ điều kiện tự nhiên đến văn hóa bản địa đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nhưng trên thực tế việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nơi đây còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Bởi thế, tỉnh đang triển khai chiến lược phát triển hợp lý du lịch cộng đồng, định hướng phát triển theo tiêu chuẩn chung của cộng đồng ASEAN, phát triển bền vững bằng cách trao quyền cho người dân. Tại Đắk Lắk, một số mô hình phát triển nông nghiệp đã thu hút được khách du lịch như làng nai Cư Êbur, làng thỏ Ea Tu, cà phê chồn Kiên Cường…

Sơn La là một tỉnh miền núi phía Tây Bắc có khí hậu đa dạng, là điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đặc sản có giá trị kinh tế cao. Với nguồn tài nguyên du lịch sinh thái phong phú, đồng lúa, rau màu, rượu, mật ong, cây ăn quả ôn đới dài ngày như (cà phê, chè..) có ưu thế ở Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu là những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tập trung ở Quỳnh Nhai, Mường La…

Ngoài ra, Sơn La cũng có nguồn tài nguyên về du lịch độc đáo như: Lòng hồ thủy điện Sơn La, Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, Nhà máy thủy điện Sơn La… Đây là những lợi thế để Sơn La phát triển du lịch gắn với nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Từ những mô hình du lịch hộ gia đình cho đến mô hình trang trại, trồng cây ăn quả… tại 1 số địa phương trên địa bàn tỉnh đã cho thấy du lịch gắn với nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho cá nhân gia đình và địa phương.

Chính sự tham gia trực tiếp của người dân trong các hoạt động du lịch nông nghiệp đã tạo ra nên sự phong phú hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời mang lại một nguồn thu nhập cho bà con nông dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy, đây được coi là một phương thức xóa đói giảm nghèo đặc biệt tại những cộng đồng khó khăn, tạo thêm nguồn sinh kế ổn định cải thiện đời sống nhân dân, giúp người dân gắn bó với quê hương.

Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực khi gắn phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái. Tuy nhiên, để đẩy mạnh mô hình sản xuất và nâng cao hiệu quả hơn nữa thì việc gìn giữ và khôi phục những giá trị văn hóa cổ truyền qua đó cung cấp thêm những trải nghiệm độc đáo cho các du khách thì cần phải có sự liên kết, phối hợp trao đổi giữa đơn vị lữ hành, nhà đầu tư, nhà nước nhằm mục đích nhân rộng những mô hình hiệu quả thông qua việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ, phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái cho người dân các địa phương theo thế mạnh của từng vùng.

Du lịch cộng đồng – nông nghiệp là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa, nó không chỉ giúp người dân bảo vệ môi trường mà còn  bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương. Đây cũng là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển hiện đại. Bởi vậy, việc phát triển để đảm bảo hiệu quả và bền vững rất cần sự đồng bộ các giải pháp và sự vào cuộc của cả hệ thống cơ quan liên quan từ Trung ương đến cơ sở.

Thúy Tình
Ảnh: Mạnh Hưng