Thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trên địa bàn huyện Phú Tân hiện có 15 nhà lưới với tổng diện tích 14.500m2, chủ yếu trồng các loại rau; mô hình trồng nấm rơm, nấm bào ngư trong nhà kín ở 13 hộ; 2 nhà màng trồng dưa lưới; 2 nhà trồng rau thủy canh. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh, huyện còn hỗ trợ vốn, vật tư cho các hộ dân mở vườn cây ăn trái áp dụng kỹ thuật phun tưới nhỏ giọt, giúp tiết kiệm chi phí và nước tưới, giảm công lao động.

Hưởng ứng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng do địa phương phát động, từ 1.200m2 đất trồng lúa, anh Nguyễn Ngọc Bằng, nông dân ấp Bình Quới 2, xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang đã thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.

{keywords}
Khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

Anh Bằng từng được Hội Nông dân địa phương tạo điều kiện cho đi tham quan, học hỏi mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao ở huyện Tri Tôn, An Phú và hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng cơ sở vật chất để triển khai thí điểm mô hình này.

Từ những trải nghiệm, anh Bằng đầu tư nhà lưới với chi phí gần 500 triệu đồng, thử nghiệm trồng 2.700 gốc dưa lưới. Dưa được trồng đúng quy trình theo tiêu chuẩn sạch, không sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, cho năng suất cao và bảo đảm chất lượng. Vụ thu hoạch đầu tiên sau 2,5 tháng gieo trồng, vườn dưa lưới của gia đình anh Bằng cho năng suất đạt trên 3,5 tấn, bán với giá 33.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh thu lợi nhuận trên 57 triệu đồng. Với nhà lưới này, anh có thể trồng từ 3-4 vụ/năm, cải thiện đáng kể nguồn thu nhập, đầu ra được công ty ký kết hợp đồng tiêu thụ toàn bộ.

Chọn mô hình rau xanh làm sinh kế, nhờ ứng kỹ thuật trồng trong nhà màng, kỹ thuật tuân thủ đảm bảo an toàn, đầu ra rau xanh của gia đình ông Phạm Quý Ngọc, ngụ tại xã Hiệp Xương) đã thu được kết quả khả quan, thu hút được người tiêu dùng. Ông Ngọc thực hiện mô hình này từ 3 năm trước. Đến nay gia đình ông đã có trên 1.000m2, chuyên trồng các loại rau ăn lá, như: cải xanh, cải ngọt, mồng tơi…

Theo ông Ngọc, ưu điểm rau được trồng trong nhà lưới hạn chế côn trùng gây hại, kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vào mùa mưa thì hạn chế dập nát lá, riêng đối với mùa nắng thì sử dụng hệ thống tưới phun bán tự động, giúp làm mát, giảm nhiệt độ bên trong nhà lưới, tạo điều kiện cho cây trồng phát triển tối ưu.

Khởi đầu, mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới của ông Ngọc có tổng kinh phí trên 180 triệu đồng, trong đó UBND xã Hiệp Xương hỗ trợ 90 triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, phần còn lại do gia đình đối ứng. Hiệu quả của mô hình đã được nhiều nông dân học hỏi và nhân rộng.

Còn chị Nguyễn Thị Thảo (ngụ xã Phú Hưng), sau thời gian phát triển vườn dâu tằm chủ yếu thu trái làm sản phẩm giải khát phục vụ khách tại chỗ, nay đã được hỗ trợ đầu tư công nghệ phun tưới nhằm sản xuất theo hướng bền vững chuẩn VietGAP. Từ 3 công đất trồng nếp kém hiệu quả được gia đình chị cải tạo để trồng giống dâu tằm Đà Lạt, gia đình chị đã mở rộng hơn 1ha, kết hợp xen canh cây atiso hoa đỏ chế biến nước siro, nước cốt, mứt…

Ngay từ giai đoạn đầu, chị Thảo và gia đình đã chú trọng đến chất lượng sản phẩm nhằm tạo uy tín cho thương hiệu “Dâu tằm Ngọc Thái”. Các sản phẩm được chị gửi mẫu kiểm định chất lượng ở trung tâm chuyên môn của tỉnh, TP. Hồ Chí Minh và công khai cho khách hàng biết.

Chị Thảo thông tin, vừa được tỉnh hỗ trợ thiết bị tưới phun, gia đình đầu tư thêm máy móc hiện đại để sản xuất nước uống chất lượng cao. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ trong quá trình canh tác, vườn dâu tằm Ngọc Thái cho trái quanh năm, hiệu quả kinh tế đáng kể và ổn định lâu dài. Ngoài các sản phẩm chế biến dâu tươi, thời gian gần đây chị đã phát triển thêm rượu dâu, nước ép dâu, dâu sấy dẻo… được khách hàng ủng hộ, thị trường tiêu thụ rộng hơn.

Văn Giáp
Ảnh: Vĩnh Sang